Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam không thao túng tiền tệ

(VTC News) -

Bộ Ngoại giao khẳng định "Việt Nam không thao túng tiền tệ" và báo cáo của Mỹ cũng đưa ra những nhận xét tích cực về điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9/11, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Tài chính Mỹ gần đây tiếp tục đưa Việt Nam vào "danh sách giám sát thao túng tiền tệ", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng xác nhận thông tin, đồng thời khẳng định "Việt Nam không thao túng tiền tệ".

Bà Phạm Thu Hằng trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Theo bà Hằng, báo cáo ngày 7/11 của Bộ Tài chính Mỹ về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, đã đưa 6 nền kinh tế trong đó có Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ.

"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo chính thức về vụ việc. Báo cáo này khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra những nhận xét tích cực về điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam", bà Hằng tuyên bố.

"Trong thời gian tới, trên tinh thần tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình hợp tác và phát triển, Việt Nam tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ và các kênh trao đổi thường xuyên hiệu quả với Mỹ, để chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết cũng như tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại trong quan hệ giữa 2 nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thương mại, nhằm góp phần đưa kinh tế song phương Việt Nam - Mỹ phát triển bền vững và đáp ứng lợi ích cả 2 bên", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.

"Danh sách thao túng tiền tệ" của Bộ Tài chính Mỹ dựa trên 3 tiêu chí gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không được quá 15 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP và tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương tính trong 12 tháng.

Trước đó, trong báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" công bố ngày 7/11, Việt Nam là một trong 6 nền kinh tế ở "danh sách giám sát" khi có hai tiêu chí vượt ngưỡng.

Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam khoảng 4,7% GDP và thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ đạt 105 tỷ USD.

5 nền kinh tế khác trong danh sách giám sát gồm, Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapre, Đài Loan, phần lớn cũng do hai tiêu chí trên vượt ngưỡng.

Bình luận về thông tin này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết báo cáo mới nhất của Mỹ không xác định Việt Nam thao túng tiền tệ, đồng thời Mỹ cũng đưa ra nhận xét tích cực với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.

Việt Nam từng nằm trong "danh sách giám sát" từ tháng 5 năm 2019 khi 2 tiêu chí xuất siêu sang Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai vượt ngưỡng. Tới giữa tháng 12/2020, Mỹ xác định Việt Nam là một trong 2 quốc gia "thao túng tiền tệ".

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ sau đó đã tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và cho biết chưa đủ bằng chứng khẳng định Việt Nam thao túng tỷ giá theo Đạo luật 1988. 2 bên đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.

Tới kỳ báo cáo 6/2022, Mỹ đưa Việt Nam khỏi diện "bị phân tích nâng cao" và Việt Nam sau đó cũng ra khỏi "danh sách giám sát" tại kỳ báo cáo tháng 11 cùng năm.

Hoa Vũ

Tin mới