Ngay những ngày này, khi Hà Nội đang trong đợt chỉnh trang đô thị diện rộng, rất nhiều vỉa hè vừa lát đá xong hoặc thậm chí chưa kịp lát xong, ô tô xe máy đã thi nhau trèo lên để đi, để đỗ, khi mà người đi bộ còn chưa kịp được tận hưởng ngày nào.
Nhiều công trình tại quận Long Biên chưa bàn giao nhưng nhiều ô tô đã "biến'' vỉa hè thành nơi đỗ xe.
Bà Trần Thị Hòa, ở quận Long Biên, Hà Nội thường sử dụng xe buýt để đi thăm họ hàng. Thay vì đi bộ như trước, thời gian gần đây, bà Hòa thường bảo con cháu chở ra bến xe buýt trên đường Nguyễn Văn Linh, bởi ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hè, chắn hết lối đi bộ
"Gần như ngày nào cũng có. Vỉa hè dành cho người đi bộ, mà ô tô đỗ thế kia thì phải đi xuống lòng đường, mà QL5 này ô tô rất nhiều. Cái hỏng vỉa hè nhanh chóng là có 2 nguyên nhân: một là thi công kém chất lượng, hai là ô tô đỗ. Còn muốn đánh giá nguyên nhân chắc chắn thì trong quá trình thi công, các nhà chuyên môn phải ra giám sát", bà Hòa nói.
Ngày 3/11 vừa qua, Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra công tác thi công lát đá vỉa hè tại công trình xây dựng cải tạo, chỉnh trang vỉa hè trên địa bàn quận Long Biên và phát hiện hàng loạt sai phạm.
Đặc biệt, dù công trình chưa bàn giao nhưng nhiều ô tô đã “biến” vỉa hè thành nơi đỗ xe, trong khi các xe này nặng hàng tấn.
Đá vỡ, gạch xô khi ô tô vô tư leo lên vỉa hè.
Không chỉ tại đường Nguyễn Văn Linh, tình trạng ô tô dừng đô tràn lan, ngang nhiên trên vỉa hè diễn ra ở hầu hết đường phố lớn nhỏ ở Hà Nội, từ vỉa hè cũ đến vỉa hè mới được lát đá tự nhiên, miễn là đủ rộng.
Khảo sát trong sáng 10/11, phóng viên VOV Giao thông ghi nhận nhiều tuyến đường như Nguyễn Văn Cừ, Cửa Bắc, Trần Phú, Kim Mã… ô tô la liệt trên nhiều đoạn vỉa hè. Đặc biệt, tại những tuyến đường đang lát lại vỉa hè như Giảng Võ, Láng Hạ, ô tô cứ đỗ “mặc kệ” công trình thi công.
Bà Đoàn Thị Kim Ngọc, ở quận Đống Đa rất bức xúc vì nhiều người mặc nhiên coi chuyện đỗ xe trên vỉa hè là bình thường và không thấy nhiều trường hợp bị xử phạt.
"Ô tô đỗ như thế này là người đi bộ không có lối đi nữa, tràn lan hết cả ra vỉa hè. Xe máy lúc nào đông là lao hết lên vỉa hè, người đi bộ là nguy hiểm. Đá lát nứt nẻ hết, vỡ hết, phí phạm. Người có thẩm quyền phải xử lý, một hai lần răn đe thì người ta mới sợ, mới không để tràn lan như thế này", bà Ngọc cho hay.
Ô tô xếp kín, chắn hết lối đi bộ. Hình ảnh trên đường Nguyễn Tri Phương.
Không chỉ ô tô mà cả xe máy cũng vô tư leo lên vỉa hè, đặc biệt là lúc ùn tắc. Như tại đường Nguyễn Hữu Thọ, vỉa hè mới được lát lại bằng đá tự nhiên phải "cõng" hàng đoàn xe máy đi lại nườm nượp.
Nói về lý do đi xe lên vỉa hè, một người tham gia giao thông cho biết: "Các ô tô nhỏ thường lấn làn, họ không đi theo làn mà đi vào làn xe máy, cho nên chúng tôi đi lại rất khó khăn và thường phải leo lên vỉa hè".
Không ít tuyến đường tại Hà Nội như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng… đá lát vỉa hè có độ bền 70 năm nhưng đã "nát bươm" chỉ sau một vài năm sử dụng.
Vỉa hè phố Giảng Võ lát đá đến đâu, ô tô… đỗ đến đấy.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra sai lầm trong việc chọn vật liệu và quá trình thi công, nhưng cũng có lãnh đạo thành phố từng cho rằng: "Ô tô đỗ, đi trên vỉa hè thì lát đá nào cũng vỡ".
Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn: lát đá rồi xe lại đỗ, lại phi lên, gạch lại vỡ, vài năm lại lại bóc ra lát lại.
Trong khi đó, người đi bộ vẫn không có đường để đi, hoặc phập phồng đi cạnh xe máy, len lỏi giữa các ô tô trên những vỉa hè chật chội và lởm chởm, dù đã tu sửa, chỉnh sang mất rất nhiều tiền.