Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao xe buýt điện ngày càng được nhiều nhân viên công sở lựa chọn?

(VTC News) -

Với những lợi ích đặc biệt so với xe buýt truyền thống, xe buýt điện đang thành công "chuyển dịch" khách hàng từ sinh viên, người cao tuổi sang người đi làm.

Khói bụi, tắc đường, tiếng xe cộ ồn ào, nắng nóng... có lẽ đều là những từ gây ám ảnh với người dân Hà Nội, nhất là với người phải ra đường vào giờ cao điểm để đến cơ quan cho kịp giờ "check in". Tuy nhiên, với anh Trung Nghĩa (28 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì khác.

"Tôi ở ngay mặt đường Hàm Nghi, sáng cứ 7 rưỡi là túc tắc xách ba lô lên chuyến E03 (xe buýt điện) cách có mấy bước chân. Công ty ở phố Nguyên Hồng (Đống Đa), đến nơi lúc nào cũng kịp 8 rưỡi để chấm vân tay vào làm. Hôm nào đi sớm hơn thì còn thoải mái mua cốc cà phê, ăn sáng một chút lấy năng lượng nữa", anh Nghĩa nói.

So với phương tiện cá nhân, xe buýt điện có nhiều ưu điểm và thân thiện môi trường.

Về lý do không đi xe máy dù có thể chủ động về quãng đường, thời gian hơn, nhân viên sáng tạo nội dung mảng công nghệ này cho biết, công việc của anh khá đặc thù, phải dậy sớm để trực tin tức cũng như quan sát các 'trend' hiện tại trên thế giới và cập nhật kịp thời. Vì thế, buổi sáng anh Nghĩa cần rất nhiều thời gian lướt web, sử dụng mạng xã hội.

Công ty ở xa, đi xe máy mất gần 1 tiếng di chuyển vì đường tắc giờ cao điểm. Dành cả tiếng để tập trung điều khiển xe là phí thời gian, "lỡ dở hết việc".

"Đi xe buýt điện có cái hay là chỗ ngồi thoải mái, vừa đeo tai nghe vài bài nhạc cho dễ chịu, vừa lấy điện thoại ra lướt tin, hiệu quả công việc tăng đáng kể, chưa kể còn được ngủ thêm một chút buổi sáng thay vì phải dậy rất sớm như trước đây. Hôm nào thức khuya thì chợp mắt 15 phút trên xe rồi làm việc cũng được", anh Nghĩa nói.

Cùng ý kiến với anh Nghĩa, chị Thu Anh (32 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều dân văn phòng thích đi xe buýt điện. "Tôi cứ một bước lên tuyến ở Thái Hà rồi xuống xe gần cơ quan trên đường Tôn Thất Tùng, thời gian di chuyển không khác là bao, mà tiện hơn nhiều vì không cần mũ, áo chống nắng lỉnh kỉnh. Tiền xăng cũng đỡ tốn vì vé tháng cũng chỉ khoảng 100.000 đồng thôi, nếu là ngày trước thì với số tiền đó tôi chỉ đủ xăng đi 1 tuần. 

Lịch trình của tôi đơn giản, không phải đón con nên tan tầm cũng đi buýt mà về thôi. Lên xe vừa êm ái, vừa dễ chịu, mát mẻ, yên tĩnh, lại khỏi chen chúc tắc đường 'ám ảnh'".

Thời gian ngồi trên xe buýt có thể giúp nhiều người giải quyết được nhiều công việc hơn tự điều khiển phương tiện giao thông.

TS Ngô Vĩnh Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật khẳng định, không chỉ anh Nghĩa, chị Thu Anh, mà nhiều nhân viên văn phòng khác đang có tâm thế "cất xe riêng để đi làm buýt".

Theo số liệu thống kê khách hàng sử dụng thẻ tháng của một hãng xe buýt điện, người đi làm chiếm đến 89%. Bình luận vấn đề này, ông Dương cho biết không bất ngờ.

Ngoài những lợi ích về trải nghiệm mà hành khách chia sẻ, điểm đặc thù xe buýt điện thu hút lượng lớn người lao động là bởi có lộ trình từ các khu đô thị rất lớn ở ngoại ô. Đây là sự tiện lợi rõ ràng so với việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân tới những khoảng cách xa ở nội đô, thường xuyên căng thẳng với mật độ giao thông đông đúc.

Thêm vào đó, phương tiện hiện đại và phong cách phục vụ của xe buýt điện rất ổn, làm tăng tính hấp dẫn của loại hình này đối với cư dân thuộc các khu đô thị.

"Sự tiện lợi, tính sẵn có, độ bao phủ, phù hợp lộ trình, thời gian di chuyển không quá lâu, giá cả phải chăng, là những thứ có thể hoàn toàn xứng đáng để thay thế những căng thẳng không cần thiết khi điều khiển phương tiện cá nhân", ông Dương nói. 

Còn với PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô tại Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm "hút" khách lớn của xe buýt điện hiện nay là phục vụ và tiện ích rất tốt, giúp hành khách thích thú khi trải nghiệm. Bản thân ông Phúc cũng là người trực tiếp trải nghiệm thường xuyên trên tuyến E03.

"Cách điều hành, vận hành của buýt điện tốt, cho nên hầu hết hành khách trên xe có hành xử khá văn minh", ông Phúc nói thêm. Ông cũng dành lời khen cho việc vận hành êm ái, đem lại trải nghiệm thoải mái, nên việc nhiều người chuyển từ phương tiện cá nhân sang cũng là lựa chọn hợp lý. 

Xu hướng tất yếu

Thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đột biến của xe buýt điện, một xu hướng được thúc đẩy bởi những lo ngại về môi trường, lợi ích kinh tế và sự hỗ trợ của các chính phủ.

Theo công ty nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, thị trường xe buýt điện toàn cầu dự kiến sẽ đạt con số 670.000 chiếc vào năm 2027, bước nhảy vọt đáng kể so với con số 112.000 chiếc được ghi nhận vào năm 2022. Tức là tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) vượt quá 20%, theo Grand View Research.

Hiện Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu với số lượng xe buýt điện lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các khu vực như Bắc Mỹ đang bắt kịp nhanh chóng, khi thị trường được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh nhất do nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp giao thông công cộng bền vững, các ưu đãi của chính phủ và sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà sản xuất xe điện lớn.

Singapore cũng là một trong những nước đặt mục tiêu 1/2 số xe bus công cộng sẽ là xe điện vào năm 2030, và toàn bộ là xe điện hoặc xe hybrid vào năm 2040. (Ảnh: Today)

Theo Mordor Intelligence, xu hướng xe buýt điện được thúc đẩy nhờ một số yếu tố. Thứ nhất, lợi ích môi trường trên quãng đường là không thể phủ nhận. Xe buýt điện không tạo ra khí thải từ ống xả, góp phần đáng kể vào việc làm sạch không khí và giảm lượng khí thải nhà kính.

Thứ hai, xe buýt điện giúp tiết kiệm chi phí đáng kể về lâu dài. Mặc dù giá mua ban đầu có thể cao hơn nhưng chi phí vận hành và bảo trì thấp hơn do có ít bộ phận chuyển động hơn xe buýt truyền thống.

Nhận định về xu hướng tại Việt Nam, ông Dương cho biết: "Chắc chắn số xe buýt điện sẽ nhiều. Phương tiện ngày một tốt hơn, độ bao phủ rộng khắp hơn và vì thế hấp dẫn hơn. Ở chiều ngược lại, sở hữu phương tiện riêng đã và đang là một giá trị. Theo thời gian, giá trị sẽ thay đổi, xe riêng không còn là thứ để ao ước nữa mà là những giá trị khác cao hơn.

Thêm vào đó, cuộc sống bận rộn, nhiều áp lực khiến người ta đến lúc phải cắt bỏ những căng thẳng không cần thiết khi đi xe cá nhân trong những lộ trình đông đúc cũng như chi phí thời gian và tiền bạc để tìm chỗ đậu xe. Điều này đã chứng minh ở các nước phát triển". 

Còn theo ông Phúc, cũng như trên thế giới, nếu phương tiện công cộng thuận tiện cho người đi làm, đáp ứng đầy đủ về tuyến đường và có sự kết nối tốt, thì người dân sẵn sàng "chuyển đổi", nhất là với phương tiện điện. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất hiện nay là sự kết nối của các tuyến chưa đủ phục vụ nhu cầu của toàn bộ người sử dụng phương tiện.

Thạch Anh

Tin mới