Hôm 21/6, Shao Yiming, một nhà dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết 80-85% dân số Trung Quốc cần tiêm đủ 2 liều vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng.
Đó là bước nhảy vọt so với với ước tính trước đó.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc trước đây khẳng định "bức tường miễn dịch tuyệt vời" của quốc gia tỷ dân sẽ đạt được nếu 70% dân số chích ngừa đầy đủ.
Theo ông Shao, việc nâng cao các con số xuất phát từ các yếu tố như khả năng lây truyền của virus và tỷ lệ bảo vệ của vaccine.
Chuyên gia ước tính Trung Quốc cần tiêm chủng đầy đủ cho 85% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng. (Ảnh: Reuters)
Ông Shao cho biết nếu theo công thức thông thường, cần 66% dân số tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng hiện tại, các vaccine sử dụng tại Trung Quốc không đạt hiệu quả bảo vệ 100%.
"Vì vaccine không bảo vệ được người tiêm 100% nên cần tăng từ con số 66% lên 80-85%. Với dân số của Trung Quốc là 1,4 tỷ dân, hơn 1 tỷ người cần được tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng", ông Shao.
Hầu như các loại vaccine Trung Quốc đều là cần tiêm 2 liều, đồng nghĩa nước này cần phải tiêm 2,2 tỷ liều. Với 1 tỷ liều đã tiêm cho dân, Trung Quốc còn cách mục tiêu hiện tại 1,2 tỷ liều nữa.
Ông Shao khẳng định Trung Quốc có đủ năng lực sản xuất vaccine để đáp ứng nhu cầu lớn hơn về liều lượng.
"Chúng tôi có thể sản xuất 5 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay. Do đó, nếu chúng tôi tiêm hai liều vaccine cho người, 5 tỷ liều là đủ. Chúng tôi đủ năng lực và nguồn lực để xây dựng hàng rào miễn dịch cộng đồng ở cấp quốc gia", vị chuyên gia Trung Quốc cho hay.
Nhưng tỷ lệ tiêm phòng không phải là yếu tố duy nhất để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Các nhà khoa học lo ngại hiệu quả các loại vaccine của Trung Quốc trong việc đối phó với biến thể Delta lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ. Nó dễ lây truyền hơn nhiều biến chủng COVID-19 khác.
Dù vậy, ông Yang Zhanqiu, nhà virus học tới từ Đại học Vũ Hán, biến thể Delta sẽ "không ảnh hưởng tới khả năng bảo vệ mà các loại vaccine hiện tại cung cấp".
"Biến thể này lây lan nhanh chóng, giống như những gì chúng ta thấy trong làn sóng dịch thứ hai ở Ấn Độ. Nhưng thời gian ủ bệnh ngắn hơn, giúp dễ kiểm soát hơn", Yang phân tích.
Vị chuyên gia nói thêm rằng tiêm chủng nhanh chóng và rộng rãi là cách tốt nhất để đối phó với biến thể này.