Hiện tượng này thực ra không khó lý giải. Đơn giản, sức mạnh của bộ phim chỉ xoay quanh chữ “chạm” - một chữ thôi nhưng đủ sức mạnh kéo công chúng đến rạp và rỉ tai nhau rằng phải xem Bố già để chứng minh mình không hời hợt, lạc hậu.
Bố già Sang và con trai Quắn trong một phân đoạn phim.
Là phim thương mại, giải trí, Bố già dành cho số đông khán giả đúng nghĩa khi nó mang chủ đề có tính toàn cầu: Tình cha con. Phim lấy bối cảnh gia đình ông Sang sống nghèo khổ trong con hẻm nhỏ Sài Gòn ngập ngụa vì triều cường, bao quanh là nhà các anh em ruột, đầy phức tạp. Ông Sang là người tốt tính, sống thiện lương và dĩ hoà vi quý, mặc cho xung quanh toàn những người tính toán, nhỏ mọn.
Đây cũng chính là nguyên nhân xảy ra vô vàn mâu thuẫn giữa ông và con trai mình. Quắn (Tuấn Trần đóng) là một thanh niên hiện đại, lập nghiệp bằng công việc Youtuber, không dễ dàng có tiếng nói chung với bố, càng không hiểu tại sao ông Sang lại sống chỉ vì người khác và bao đồng đến vậy.
Ê-kíp của bộ phim tính toán rất kỹ các tình tiết cũng như bối cảnh để tác phẩm trở nên gần gũi với trải nghiệm sống của khán giả, để họ có thể tìm thấy đâu đó hình ảnh của chính mình trong bộ phim và đồng cảm. Cũng từ đây, khán giả sẵn sàng bỏ qua những điểm chưa được của tác phẩm mà thả lỏng cảm xúc, để mặc nó trôi đi cùng bộ phim. Trấn Thành cho biết, anh đã lấy một phần câu chuyện thật của gia đình mình lên phim. Bối cảnh khu lao động nghèo của Bố già cũng được ê-kip thiết kế gần gũi hết sức bằng cách ngăn một con phố và bơm nước ngập ngụa.
“Đã bao lâu rồi bạn chưa chụp ảnh với cha mình?”, câu hỏi này của Quắn không mới, nhưng nó đánh động cảm xúc và sự hổ thẹn của người xem khi nghĩ đến bậc sinh thành ra mình.
Lý giải về thành công của Bố già, một khán giả bình luận: “Tôi không rõ kỹ thuật điện ảnh, cũng không giỏi phân tích về diễn xuất, chỉ biết tôi đã rơi nước mắt vài lần khi xem phim. 'Bố già' thực sự chạm vào tầng cảm xúc sâu nhất trong tôi. Và tôi tìm thấy mình trong đó, nhận ra nhiều điều sau khi xem phim”.
Trấn Thành và Lê Giang trong phim.
Đứng ở góc độ marketing, phải công nhận, Trấn Thành và Bố già biết cách chiếm lấy sự ủng hộ của khán giả, chạm vào các vấn đề nội tại của mỗi gia đình một cách khá tự nhiên. Đó là sự mâu thuẫn thế hệ luôn xuất hiện giữa những yêu thương; là việc không giỏi thể hiện tình yêu giữa những người thân trong gia đình, một trong những đặc thù của văn hoá bản địa. Cho đến khi đứng giữa sự sống và cái chết, từ "yêu", từ "thương" mới được thốt ra giữa cha và con.
Bố già của Trấn Thành cũng mang những nét tiêu biểu cho hình ảnh của số đông phụ huynh Việt Nam: Luôn yêu thương bằng cách sống hộ con cái, đặt ra các quy chuẩn cho con mình mà không cần biết con muốn gì, cần gì. Càng đông khán giả đến rạp xem phim, điều này càng được chứng minh là đúng.
Poster phim "Bố già".
Có thể thành công của web drama Bố già trước đó đã cho Trấn Thành kinh nghiệm để hiểu khán giả của mình muốn gì, thiếu gì, từ đó xây dựng kịch bản cũng như tạo nên những cú twist trong phim.
Cũng chính thành công của web drama đã kéo người xem tới rạp, bên cạnh sức hút của dàn diễn viên đầy thực lực. Khó có thể phủ nhận, Trấn Thành là diễn viên tài năng, dù tạo hình trong bộ phim này chưa thực sự hợp với nhân vật. Ngoài ra, bộ phim cũng chứng tỏ bước trưởng thành rất nhanh của Tuấn Trần. Có lẽ, vai Quắn trong phim sẽ tạo tiền đề cho nam diễn viên này phát triển hơn nữa trong nghề diễn.
Cuối cùng, mọi phân tích cũng chỉ mang tính tương đối, quyết định và lựa chọn của khán giả vẫn là quan trọng nhất. Họ chỉ yêu và tìm đến tác phẩm khi họ thực sự thích mà thôi. Mà Bố già của Trấn Thành làm họ thích, một cách rất tự nhiên.