Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao nguyên giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Huế bị bắt?

(VTC News) -

Cơ quan chức năng ở Thừa Thiên - Huế vừa tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam nguyên giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Huế.

Ngày 1/3, thông tin PV VTC News có được, Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phê chuẩn quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam ông Hồ Trí Quý, nguyên giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Huế vì liên quan đến sai phạm trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đó, ông Quý bị khởi tố, bắt tạm giam để làm rõ hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ việc ký khống giấy tờ đất để trục lợi, gây thất thoát hơn 4 tỷ đồng diễn ra tại phường Thủy Xuân (TP Huế).

Khu đất nơi xảy ra những sai phạm khiến nhiều nguyên cán bộ ở TP Huế bị bắt.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, cơ quan CSĐT Công an TP Huế cũng đã bắt giữ 6 người, gồm: Nguyễn Văn Hòa (SN 1970, nguyên Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân); Dương Văn Quỳnh (SN 1984 - nguyên là nhân viên hợp đồng phụ trách địa chính phường Thủy Xuân); Hoàng Khánh Huy (trú tại TP Huế - nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường TP Huế); Nguyễn Lê Mạnh Hiền (SN 1983); Hà Xuân Dẫn (SN 1964, là nhân viên Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Huế); Hoàng Thiện Tín (SN 1987, chuyên viên Phòng Tài nguyên và môi trường TP Huế).

Theo cơ quan công an, năm 2015, UBND phường Thủy Xuân (TP Huế) có nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của bà Nguyễn Thị Cẩn (86 tuổi, trú tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) tại hai thửa đất số 51 và 52, tại tờ bản đồ số 12 (địa chỉ Tổ 19, khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP Huế).

Trước khi ông Hồ Trí Quý bị bắt, cơ quan công an cũng đọc lệnh bắt ông Nguyễn Văn Hòa (nguyên Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, TP Huế) và 4 đồng phạm khác.

Hai thửa đất này lần lượt có diện tích là 2.259,1m2 và 1.613,3m2, loại đất ở tại đô thị, không thu tiền sử dụng đất. Sau khi nhận hồ sơ, ông Hòa, lúc này là Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân đã cấu kết với 4 người nói trên, không xác minh, thẩm định độ chính xác, tính pháp lý của bộ hồ sơ.

Sau đó, ông Hòa ký khống phê duyệt rồi trình lên UBND TP Huế để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho bà Cẩn tại hai thửa đất nói trên.

Trên thực tế, bà Nguyễn Thị Cẩn không có nhà ở, không trực tiếp sử dụng đất trên thửa số 51 và 52 tính từ năm 1968 đến nay. Bà Cẩn cũng không nộp thuế, không kê khai đăng ký qua các lần đo đạc thửa đất trên và không có hộ khẩu thường trú, không làm ăn sinh sống tại địa phương.

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 1, Điều 21 Nghị định 43/CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai thì việc cấp giấy chứng nhận cho bà Cẩn là không đủ điều kiện và không đúng đối tượng theo quy định của pháp luât. Sự thiếu trách nhiệm nhóm người trên gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước bước đầu xác định gần 4 tỷ đồng.

Diễn biến sự việc

Ngày 28/12/2018, ông Nguyễn Thế Mỹ - Bí thư phường Thuỷ Xuân (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) xác nhận thông tin, ông Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch UBND phường Thuỷ Xuân bị Thành uỷ Huế cách hết chức vụ trong Đảng và UBND TP Huế, cách chức chủ tịch phường do cố ý làm trái quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai.

Ngoài ra, ngày 27/12/2018, HĐND phường Thuỷ Xuân đã bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Văn Hoà.

Theo tìm hiểu của PV VTC News, ông Nguyễn Văn Hoà bị cách hết chức vụ là do để xảy ra sai phạm trong việc đất đình làng Dương Xuân Hạ (phường Thuỷ Xuân) bị phân lô, bán nền.

Theo đó, trước đây, trong quá trình lập hồ sơ, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để đề nghị UBND tỉnh công nhận đình làng Dương Xuân Hạ là di tích lịch sử cách mạng, Hội đồng Tộc trưởng làng Dương Xuân Hạ bàn giao một lô đất diện tích 2.250m2 cho UBND phường Thủy Xuân quản lý.

Nguyên nhân có việc giao đất này là do khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đình làng, bà Nguyễn Thị Cẩn có tranh chấp với dân làng. Làng cho rằng toàn bộ thửa đất khoảng 10.000 m2 là đất đình làng, nhưng bà Cẩn lại cho rằng một phần đất diện tích 2.500m2 là của bà.

Nếu chưa được giải quyết thỏa đáng, vẫn đang tranh chấp thì việc công nhận đình làng là di tích lịch sử cách mạng sẽ bị chậm lại. Do đó, trong buổi UBND phường thực hiện thủ tục hòa giải giữa hai bên, Hội đồng Tộc trưởng đồng ý không tranh chấp nữa, giao diện tích 2.500m2 đất nói trên cho UBND phường quản lý.

Sau này, không hiểu vì lý do gì, phường lại lập hồ sơ thủ tục để cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất thuộc đình làng Dương Xuân Hạ từng được giao cho UBND phường Thuỷ Xuân quản lý, rồi sau đó phân lô bán nền.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Hoà thừa nhận trong hồ sơ quản lý của địa phương, diện tích đất tranh chấp nêu trên thể hiện là đất đình làng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cẩn có giấy mua bán đoạn mãi. Quá trình giải quyết tranh chấp, UBND phường hòa giải thì đại diện làng không tranh chấp nữa, giao cho UBND phường quản lý.

"Căn cứ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai hiện hành, bà Cẩn có giấy mua bán đoạn mãi từ thời chế độ cũ, đồng thời UBND phường đã lấy ý kiến khu dân cư, có chữ ký của Tổ trưởng, Bí thư chi bộ tổ dân phố (nhưng sau này Tổ trưởng, Bí thư chi bộ tổ dân phố cho rằng nhầm thửa đất khác - PV), nên UBND phường lập hồ sơ ban đầu, để cấp có thẩm quyền làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Cẩn.

Sau khi được cấp giấy, bà Cẩn chuyển nhượng toàn bộ lô đất cho một công ty bất động sản. Sau đó, công ty này thực hiện các thủ tục pháp lý, phân lô chuyển nhượng, xây dựng nhà ở", ông Hoà nói.

Sự việc sau đó bị người dân làng Dương Xuân Hạ làm đơn thư khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng. Sau khi có đơn thư, Thanh tra TP Huế vào cuộc và phát hiện những sai phạm nghiêm trọng nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an TP Huế tiếp tục điều tra, xử lý.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới