Trước khi Covid-19 càn quét nước Mỹ, Trung Quốc sản xuất gần một nửa số khẩu trang nhập khẩu vào Mỹ.
Vào thời điểm hiện tại, khi Trung Quốc dường như đã kiểm soát dịch bệnh, họ tiếp tục trở thành nơi cung cấp các lô thiết bị bảo hộ đang được săn lùng trên khắp thế giới.
Những chiếc khẩu trang xếp chồng lên nhau thành hàng trong một nhà máy ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Đài RT Nga hôm 1/4 dẫn lời một quan chức địa phương Pháp nói Mỹ đã trả giá ngay tại sân bay để "nẫng tay trên" lô hàng 60 triệu khẩu trang mà Pháp đặt mua từ Trung Quốc.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện có tổng cộng 160.000 máy thở. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng nổ với mức độ nghiêm trọng như đợt cúm Tây Ban Nha năm 1918, nước này cần hơn 740.000 máy thở.
Tổng thống Trump mới đây bật đèn xanh cho các hãng ô tô hàng đầu của Mỹ tái cấu trúc dây chuyền để sản xuất lại thiết bị này. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định việc hoán đổi dây chuyền không phải là chuyện đơn giản. Thêm vào đó sẽ có hàng loạt khó khăn khi các ông lớn ô tô của Mỹ dấn thân vào con đường này bởi các vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ, thiếu hụt chuyên viên vận hành máy và các vấn đề về an toàn.
Nhân viên y tế Mỹ thiếu trầm trọng thiết bị bảo hộ.
Đặt mua máy thở từ Trung Quốc do đó vẫn được xem là lựa chọn hàng đầu hiện nay với Mỹ.
"Trung Quốc là nguồn cung cấp lớn của các sản phẩm này vào thời điểm nhu cầu gia tăng đáng kinh ngạc, cả ở Mỹ và toàn cầu", ông Chad Bown, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho hay.
"Vì vậy, nếu bạn không mở cửa cho Trung Quốc và cố gắng mua những thứ này từ Trung Quốc ngay bây giờ, bạn thực sự không có hy vọng", ông nói.
Các nhà sản xuất Mỹ như 3M và Honeywell nhiều tuần qua liên tục đẩy mạnh sản xuất, nâng số khẩu trang sản xuất lên 70 triệu chiếc mỗi tháng. Nhưng nó còn cách xa con số 500 triệu khẩu trang mà Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ muốn tìm mua cho kho dự trữ chiến lược.
Theo ông Brown, không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã cắt nguồn cung cho Mỹ hoặc chuyển hướng sang các đối tác chính trị của Bắc Kinh như Italy.
Tuy nhiên, các lô hàng xuất khẩu thiết bị bảo hộ của Trung Quốc đã giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm do ảnh hưởng của Covid-19.
Mặc dù vậy, Trung Quốc hiện vẫn cung cấp 48% số thiết bị bảo hộ được nhập khẩu vào Mỹ và 50% vào Liên minh châu Âu.
Video: Bản tin cập nhật dịch Covid-19 sáng 3/4
Trong tuyên bố hiếm hoi đưa ra mới đây, John Bolton - cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng kêu gọi Mỹ theo đuổi chính sách mới để ngăn chặn sự phụ thuộc quá mức của Washington và Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
Một phiên điều trần của Thượng viện năm 2019 cho biết hơn 80% thành phần chính trong thuốc của Mỹ có nguồn gốc từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Mỹ có số người mắc Covid-19 cao nhất thế giới trong khi Trung Quốc gần như đã khống chế xong dịch.
Tiến sĩ Yanzhong Huang, chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại và Đại học Seton Hall dự đoán sau cuộc khủng hoảng Covid-19, Mỹ sẽ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho thành phần hoạt tính trong các loại thuốc để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhưng ông cũng lưu ý rằng Mỹ thống trị rất nhiều loại thuốc quan trọng, bao gồm cả các loạt điều trị các bệnh không lây nhiễm đang gây lo ngại ở Trung Quốc.
"Trung Quốc có đòn bẩy nhưng chúng ta nên nhớ rằng đó không phải là con đường một chiều. Mỹ cũng có đòn bẩy riêng. Nhưng tôi không nghĩ việc sử dụng nó như một vũ khí là quyết định khôn ngoan", ông phân tích.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton, nghị sỹ đảng Cộng hòa có tiếng nói chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ đề xuất lệnh cấm hoạt toàn với việc mua các thành phần hoạt tính trong các loại thuốc từ Trung Quốc vào năm 2022.
Trong khi đó, ông Bown cho rằng các nước không nên nhắm đến việc tự cung cấp vật tư y tế mà nên tìm kiếm nguồn cung đa dạng trên toàn cầu.
"Nhưng vấn đề là với đại dịch như hiện nay, không một nơi nào an toàn về mặt địa lý ở bất cứ đâu trên thế giới", ông cho hay.