Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao môn bơi Olympic toàn siêu kình ngư vẫn cần nhân viên cứu hộ?

(VTC News) -

Môn bơi của Olympic quy tụ những kình ngư xuất sắc nhất thế giới nhưng vẫn có sự hiện diện của các nhân viên cứu hộ.

Nhân viên cứu hộ tại nhà thi đấu môn bơi Olympic Paris 2024 gây sốt trên mạng xã hội mới đây. Sự xuất hiện nổi bật của nhân vật này khiến không ít người đặt câu hỏi vì sao bể bơi Thế vận hội vẫn cần tới sự xuất hiện của nhân viên cứu hộ, trong khi những người ở dưới nước đều thuộc diện "siêu kình ngư".

Nhân viên cứu hộ làm gì?

Công việc chính của nhân viên cứu hộ - đúng hơn là nhân viên hỗ trợ - tại bể bơi của Olympic có lẽ không phải là cứu người. Nhân vật gây sốt mới đây tại Olympic Paris 2024 được nhắc đến vì hành động khác.

Cụ thể, ban tổ chức hoãn các lượt tranh tài ở nhà thi đấu La Defense Arena sau khi phát hiện vật thể lạ dưới đáy bể bơi. Đó là chiếc mũ của vận động viên Emma Webber (Mỹ) ở phần thi trước đó. Một nhân viên cứu hộ được cử xuống để lấy chiếc mũ. Anh nhận tràng pháo tay của hàng nghìn cổ động viên. 

Trên mạng xã hội, nhiều người gọi nhân viên cứu hộ là "anh hùng". Một tài khoản bình luận "lần đầu tiên tôi thấy một nhân viên cứu hộ có việc để làm ở Thế vận hội".

Nhân viên cứu hộ được ca ngợi ở Olympic Paris 2024.

Bình luận này xuất phát từ việc lâu nay nhiều người luôn đánh giá thấp vai trò của các nhân viên cứu hộ trong các bể bơi Olympic. Đội cứu hộ hầu như chẳng phải làm gì khi được giao nhiệm vụ theo dõi các cuộc thi và ứng cứu khi có vấn đề xảy ra, mà đối tượng họ theo dõi lại là những kình ngư hàng đầu thế giới. 

Ở Olympic 2016, hình ảnh một nhân viên cứu hộ buồn chán nhìn các vận động viên thi đấu được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhân viên này nhận 340 USD tiền lương trong 2 tuần diễn ra Olympic nhưng hầu như không làm gì nhiều trong thời gian đó.

Vì sao bể bơi Olympic cần nhân viên cứu hộ?

Công việc ít nhưng vai trò của họ rất quan trọng. Trong các cuộc thi bơi lội, đặc biệt tại Olympic, vấn đề an toàn trong thi đấu luôn được quan tâm và đưa vào trong quy định. 

Các nhân viên cứu hộ sẽ ứng cứu khi vận động viên bị đuối nước, chuột rút, đau tim hay bị chấn thương do va chạm với thành bể. Theo New York Times, nguy cơ xảy ra sự cố chỉ khoảng một phần một triệu nhưng đội ngũ cứu hộ luôn phải tập trung để đề phòng tai nạn xảy ra.

Anderson Fertes, một nhân viên cứu hộ, từng nói vui rằng: "Đôi khi tôi tưởng tượng mình có thể nhảy xuống bể bơi để cứu Michael Phelps. Khả năng xảy ra là một phần triệu nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng".

Trong lịch sử Olympic, chưa ghi nhận trường hợp kình ngư nào gặp sự cố dưới nước. Tuy nhiên, không vì thế mà các nhân viên cứu hộ rảnh rỗi. Họ kiêm thêm nhiệm vụ xử lý các sự cố nhỏ như trường hợp của anh chàng cứu hộ tại Paris 2024.

Người phát ngôn của Olympic 2024 nói với CNN, "Tình huống như vậy thường xuyên xảy ra ở các cuộc thi. Nhân viên cứu hộ là những người duy nhất mặc đồ bơi, ngoại trừ vận động viên, nên họ được yêu cầu lấy đồ vật nào đó dưới bể bơi để cuộc thi diễn ra bình thường". 

Hình ảnh hài hước về nhân viên cứu hộ ở Olympic 2016.

Không chỉ vậy, các nhân viên cứu hộ còn phải đảm bảo an toàn cho những người xung quanh bể bơi, đảm bảo cuộc thi diễn ra suôn sẻ. Họ cũng được đào tạo để xử lý vấn đề về y tế, chấn thương. 

Các nhân viên cứu hộ sẽ đứng ở vị trí tốt nhất, gần thành bể, để dễ quan sát các vận động viên thi đấu. Họ mặc trang phục dễ phân biệt, với còi và các thiết bị bơi khác. 

Cơ quan quản lý thể thao quốc tế (FINA) ban hành quy định: "Các bể bơi cần đảm bảo an toàn về những người sử dụng bể bơi, dù cho mục đích giải trí hay tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp, theo đúng quy định của luật pháp và cơ quan y tế địa phương".

Như tại Olympic 2016, chính quyền thành phố Rio yêu cầu bể bơi cần ít nhất 8 nhân viên cứu hộ. Họ chia làm hai kíp trực thay nhau, mỗi kíp 4 người. 2 người trực ở khu vực bơi tập luyện và 2 người trực ở khu vực thi đấu. 

Văn Hải

Tin mới