Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao không cần tổng tuyển cử, ông Sunak vẫn trở thành Thủ tướng Anh?

(VTC News) -

Ông Rishi Sunak sẽ là thủ tướng thứ 4 liên tiếp của Anh trở thành thủ tướng không thông qua tổng tuyển cử.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak sẽ trở thành tân Thủ tướng Anh với vai trò là lãnh đạo của đảng cầm quyền mà không cần thông qua một cuộc tổng tuyển cử. Ông cũng được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ mà không trải qua quá trình vận động cử tri hay hoạt động truyền thông với báo giới.

Trong những trường hợp bình thường, đây có thể là một vấn đề gây tranh cãi. Nhưng trong hoàn cảnh nước Anh liên tục thay thế các thủ tướng, quy trình đưa ông Sunak đến Số 10 Phố Downing đã được rút ngắn. Bên cạnh đó những thông tin về bản thân ông và các vận động chính sách đã được truyền thông rộng rãi trong cuộc tranh cử lãnh đạo đảng lần trước, khi ông cũng là ứng viên và cạnh tranh với bà Liz Truss vào tháng 9.

Với những biến động mới trong nền kinh tế Anh, chính sách của ông Sunak sẽ có những thay đổi nhất định. 

Trước đó, vào chiều 24/10, Chủ tịch Hạ viện Anh Penny Mordaunt tuyên bố rút khỏi vị trí ứng viên lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc ứng viên duy nhất còn lại – cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak sẽ trở thành thủ tướng Anh tiếp theo.

Ông Sunak dự kiến sẽ có bài phát biểu trực tiếp tại trụ sở đảng Bảo thủ khi trở thành lãnh đạo đảng. Theo The Guardian, đây không chỉ là phát biểu công khai đầu tiên của ông từ khi trở thành người kế nhiệm vị trí thủ tướng, mà còn từ khi Thủ tướng Liz Truss từ chức.

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: Reuters)

Trong phát biểu tuyên bố chính thức tranh cử vài ngày trước, ông nói: “Vương quốc Anh là một đất nước tuyệt vời nhưng chúng ta đang đối mặt với một khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Vì thế tôi đứng đây để trở thành lãnh đạo đảng và thủ tướng tiếp theo của các bạn. Tôi muốn sửa chữa nền kinh tế của chúng ta, đoàn kết đảng của chúng ta và đem đến những điều đất nước chúng ta cần”.

Các thủ tướng Anh được bầu thế nào?

Anh là một nền dân chủ nghị viện, không phải là hệ thống bán tổng thống (hay tổng thống-thủ tướng). Cử tri Anh không trực tiếp bầu ra chính phủ hay người đứng đầu chính phủ - thủ tướng, mà chỉ bầu ra một phần của cơ quan lập pháp, hạ viện, từ đó chính phủ được hình thành. Còn thượng viện Anh bao gồm các quan chức được các đảng bổ nhiệm.

Tại các cuộc tổng tuyển cử diễn ra 5 năm một lần, các đại cử tri chỉ bỏ phiếu để bầu nghị sĩ tại 1 trong 650 khu vực bầu cử mà họ sinh sống. 

Lãnh đạo các đảng chính trị trong nghị viện thường được chọn trong quy trình nội bộ, trước mỗi cuộc tổng tuyển cử, hoặc khi lãnh đạo đương nhiệm từ chức hoặc bị bãi chức. Một nhà lập pháp sẽ trở thành thủ tướng khi đảng của họ bầu họ làm lãnh đạo và đảng đó giữ được đa số trong các cuộc bỏ phiếu tại hạ viện (với tư cách là đảng duy nhất hoặc liên minh với đảng khác để đảm bảo đa số). 

Theo CNN, ông Rishi Sunak sẽ là thủ tướng thứ 4 liên tiếp của Anh trở thành thủ tướng mà không tham gia tổng tuyển cử. Người đầu tiên trong chuỗi này là cựu Thủ tướng Theresa May. 

Tháng 7/2019, sau khi bà Theresa May từ chức, ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh khi đang là nghị sĩ của khu vực Uxbridge và South Ruislip, được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ, và đảng Bảo thủ có đa số ghế trong hạ viện cùng với sự ủng hộ của một đảng nhỏ hơn là Hợp nhất dân chủ (DUP). Đảng Bảo thủ dưới sự lãnh đạo của ông Johnson sau đó vẫn giữ được quyền thành lập chính phủ, vì trong cuộc bầu cử tháng 12/2019, thắng đủ số ghế đa số quy định trong hạ viện.

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: BBC)

Ông Johnson từ chức vào tháng 7/2022, sau khi không ngăn chặn được làn sóng phản đối từ các bộ trưởng về sự lãnh đạo của ông trong nội các, và chính quyền dính hàng loạt bê bối. Bà Liz Truss sau đó được bầu làm lãnh đạo đảng kế nhiệm, nhưng chỉ giữ vị trí được 45 ngày.

Đối với trường hợp của ông Sunak, về cơ bản các bước cần thiết để trở thành Thủ tướng Anh vẫn như vậy nhưng chi tiết quá trình đã được rút ngắn.

Theo Time, khi ông Boris Johnson từ chức, 8 ứng viên đảng Bảo thủ được đề cử (mỗi người được yêu cầu có ít nhất 20 đảng viên nghị sĩ ủng hộ). Sau đó 5 vòng bỏ phiếu nội bộ diễn ra để loại dần những người đứng cuối và bà Truss giành chiến thắng, tổng cộng mất gần hai tháng.

Theo New York Times, khi bà Truss từ chức, chỉ trong vài ngày, 357 thành viên đảng Bảo thủ trong nghị viện phải nộp lên các đề cử về ứng viên họ mong muốn trở thành lãnh đạo tiếp theo, và mỗi ứng viên cần có 100 người ủng hộ, nghĩa là sẽ không có quá 3 ứng viên có thể đi tiếp.

Nếu hai ứng cử viên đạt yêu cầu, các thành viên đảng Bảo thủ trong nghị viện sẽ bỏ phiếu để tìm ra ứng cử viên nào được ủng hộ nhiều hơn. Nếu người về đích ở vị trí thứ hai không bỏ cuộc, khoảng 170.000 đảng viên cơ sở trên toàn quốc sẽ tham gia vào một cuộc bỏ phiếu trực tuyến cuối cùng.

Nếu ba ứng cử viên nhận được 100 đề cử, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu để loại một ứng cử viên, và hai ứng cử viên đứng đầu sẽ tiến tới cuộc bỏ phiếu trực tuyến.

Nhưng quá trình này đã không diễn ra với ông Sunak, vì ông là ứng viên duy nhất. Khi tuyên bố rút khỏi cuộc đua ngày 24/10, bà Penny Mordaunt không thu thập đủ đề cử của 100 thành viên đảng, theo nguồn tin của Telegraph. Tuyên bố được đưa ra chỉ 1 phút trước hạn chót nộp đề cử của các ứng viên.

Bà Liz Truss từ chức chỉ sau 45 ngày giữ vị trí. 

Kêu gọi tổng tuyển cử

Theo The Guardian, các lời kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm đã xuất hiện sau khi đảng Bảo thủ rút ngắn quá trình đưa ông Rishi Sunak lên ghế Thủ tướng Anh. Những ý kiến này đến từ cả đảng Lao động đối lập lẫn những người ủng hộ cựu Thủ tướng Boris Johnson, và đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Phó lãnh đạo đảng Lao động, bà Angela Rayner, cáo buộc ông Sunak là “né tránh sự xem xét” và kêu gọi lắng nghe tiếng nói của cử tri. “Đảng Bảo thủ trao cho Rishi Sunak vị trí thủ tướng mà ông ta không phải nói gì về việc sẽ điều hành đất nước như thế nào, và khi không ai có cơ hội bỏ phiếu. Rishi Sunak cũng là người khi làm bộ trưởng tài chính đã thất bại trong việc phát triển nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, hay giúp các gia đình vượt qua khủng hoảng”, bà Rayner nói.

Bộ trưởng thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland, chúc mừng ông Sunak nhưng đề xuất “điều ông ấy nên quyết định ngay và một điều ông ấy chắc chắn không nên làm”. “Ông ấy nên quyết định một cuộc tổng tuyển cử sớm. Và không nên – không được đưa ra một đợt chính sách thắt lưng buộc bụng mới. Các dịch vụ công của chúng ta sẽ không chịu được điều đó”.

Theo CNN, tại Anh, Thủ tướng mới không bắt buộc phải xúc tiến tổng tuyển cử (dự kiến diễn ra theo thông lệ vào 2025). Ông Rishi Sunak đã bác bỏ khả năng tổ chức cuộc bầu cử toàn quốc, Reuters dẫn theo các nhà lập pháp có mặt trong một bài phát biểu của ông hôm 25/10.

Phương Anh

Tin mới