Khi đó, anh chơi 10 phút trong trận thua 0-1 trước Stade Lavallois, sau đó biến mất khỏi kế hoạch của HLV Didier Tholot. Tính đến lúc này của mùa giải, Hải mới chơi 604 phút, ghi đúng 1 bàn. Dấu ấn của anh trong mùa xuất ngoại đầu tiên là rất nhạt nhòa.
Ở chiều ngược lại, Huỳnh Như đã kết thúc mùa giải đầu tiên với thành công ngoài dự kiến. Thủ quân tuyển nữ Việt Nam ghi 7 bàn trên mọi đấu trường cho Lank, trong đó có 5 bàn tại giải VĐQG Bồ Đào Nha. Không ra sân trọn vẹn toàn bộ các trận cho Lank nhưng khi có cơ hội, Như luôn được tạo điều kiện để xuất trận và không ít lần tỏa sáng.
HLV trưởng Lank thừa nhận Huỳnh Như "rất giỏi" và coi thủ quân tuyển Việt Nam là con bài tẩy tạo đột biến từ ghế dự bị. Khác biệt của Như và Hải đến từ đâu?
Chuyện hòa nhập vẫn luôn là vấn đề muôn thuở với không chỉ cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại. Năm 2007, Werder Bremen phá kỷ lục chuyển nhượng CLB khi mua Carlos Alberto từ Corinthians với giá 9 triệu euro. Để sau cùng, tiền vệ người Brazil rời sân Weser sau vỏn vẹn 5 trận. Ban đầu, báo chí Đức tin Alberto ăn chơi sa đọa, làm phật ý HLV Thomas Schaff. Sau này, tất cả mới vỡ lẽ Alberto bị bệnh mất ngủ khi xa nhà. Thất bại khi đổi môi trường là chuyện tất yếu.
Huỳnh Như nổi tiếng vì chuyên nghiệp ở Bồ Đào Nha, trong khi Hải mất hút ở Pháp.
Quang Hải không đến mức mất ngủ triền miên như Alberto nhưng nói về khả năng hòa nhập, tiền vệ tuyển Việt Nam rõ ràng không tốt. Đến giờ, Hải vẫn chưa biết tiếng Pháp. Anh lọt thỏm trong môi trường Pau FC với các cầu thủ gốc Phi chỉ nói tiếng Pháp hoặc Bồ Đào Nha.
Dấu ấn của Hải vì vậy mờ nhạt hoàn toàn. Đến nửa sau mùa giải, anh nằm ngoài kế hoạch của ông Tholot khi kết nối với các đồng đội gần như là con số 0.
Huỳnh Như không biết tiếng Bồ Đào Nha khi mới xuất ngoại. Nhưng "đầu ra" của thủ quân tuyển nữ Việt Nam lại khác hẳn. Khác với Hải, Như hòa nhập cực nhanh với các đồng đội. Việc Như hướng dẫn đồng đội ăn mừng như Ronaldo, nấu ăn cùng, nhảy múa cùng, tặng các món sản vật Việt Nam và thường xuyên sinh hoạt thường nhật đều đặn cùng các chị em tại Lank là minh chứng.
Người dân sống ở thành phố Braga (Bồ Đào Nha) thậm chí sẽ không quên hình ảnh cô gái bé nhỏ Huỳnh Như cứ vài ngày lại chạy qua 577 bậc thang để lên đỉnh núi Bom Jesus. Như quen mặt các chủ nhà hàng Việt tại nơi mình sống, thân thiết với các đồng đội đủ quốc tịch, thậm chí đến giờ hiểu gần hết các chỉ đạo bằng tiếng Bồ Đào Nha của HLV.
Khi xuất ngoại, cầu thủ phải chơi bóng. Nhưng ngoài chơi bóng, các cầu thủ còn phải sống, phải hòa nhập với môi trường xa lạ. Ở khoản này, Huỳnh Như làm tốt hơn Quang Hải.
Sự chuẩn bị từ đội ngũ xung quanh là khác biệt giữa Huỳnh Như và Quang Hải. Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, người đại diện mới của Quang Hải từng tiết lộ khi mới sang Pháp, Hải được thuê cho một phiên dịch để giao tiếp với đồng đội cùng HLV. Phương án này không hiệu quả bởi phiên dịch không thể chạy cùng Hải trên sân cỏ.
Sau này, ê-kíp mới của Hải thuê giáo viên dạy tiếng Pháp để cải thiện quá trình hòa nhập. Nhưng mọi chuyện lúc đó đã muộn. Pau FC không có thêm thời gian để kiên nhẫn với Hải nữa.
Huỳnh Như trong khi đó đến với môi trường Bồ Đào Nha khi đã được ê-kíp chuẩn bị kỹ lưỡng. Khí hậu Bồ Đào Nha có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Đồ ăn ở đây cũng hợp khẩu vị với Như. Những đồng đội tại Lank cũng sẵn sàng cởi mở với thủ quân tuyển nữ Việt Nam. Điều quan trọng, bản thân Huỳnh Như rất chủ động, cô tự tin bước lên, chủ động trong mọi việc và tự mình phá vỡ mọi rào cản.
Tất cả yếu tố này giúp Như hòa nhập cực nhanh với Lank, để sau cùng cụ thể hóa được tài năng trên sân cỏ.
Huỳnh Như thành công khi thích nghi nhanh với môi trường Bồ Đào Nha. Ảnh: Lank.
Hành trình khẳng định vị trí của Như cũng khác Hải trời vực. Hải tới Pau FC với vị thế của "Messi Việt Nam" như dòng tít của tờ báo địa phương tại đây. Chưa bao giờ phòng họp báo của Pau đông như thời gian đầu Hải xuất hiện trên đất Pháp. Hiệu ứng Quang Hải đưa tuyển thủ Việt Nam thành phương án hàng đầu của Pau trong những vòng đầu tại Ligue 2.
Nhưng hiệu ứng càng mạnh thì áp lực càng lớn. Chuyện này sau cùng kết thúc khi Hải không tạo được ấn tượng tương xứng với danh tiếng. HLV Tholot nói Hải "hơi vội" trong những pha xử lý quyết định. Sau nhận xét này, Hải lên ghế dự bị.
Những ai theo dõi kỹ quá trình chuyển nhượng Quang Hải tới Pháp sẽ thấy anh và đại diện đã tiếp xúc không ít CLB, đã vướng phải hàng loạt tin đồn với nhiều đội bóng thuộc các nền bóng đá khác nhau với những ngôn ngữ khác nhau. Tin Hải về Pau chỉ được xác nhận chính thức ít ngày trước khi tuyển thủ Việt Nam tới đây. Điều đó đồng nghĩa Hải có rất ít thời gian làm quen và chuẩn bị cho cuộc sống mới tại đô thị nhỏ của Pháp này. Tiền vệ sinh năm 1997 là một trong những cầu thủ Pau hội quân muộn nhất trước mùa giải, phải ra sân gần như ngay lập tức khi có cơ hội và thất bại.
Như trong khi đó vào sân từ ghế dự bị, thi đấu rất ít trong 4-5 trận đầu tại Lank. Điểm nổ chỉ đến sau khoảng 1/4 mùa giải, chính xác là vào ngày 5/11 khi Như vào sân từ đầu hiệp hai trong trận đấu với Famalicao. Thủ quân tuyển Việt Nam ghi 2 bàn, kiến tạo 1 lần, giúp Lank hòa đối thủ mạnh hơn 3-3. Như có quá nhiều thời gian chuẩn bị. Bởi thế, quá trình hòa nhập của cô kết thúc mỹ mãn, kéo theo thời gian thi đấu bùng nổ của Như trên đất Bồ Đào Nha.
Sự khác biệt giữa hai cầu thủ hay bậc nhất bóng đá Việt Nam là như thế. Quang Hải bị đẩy ra sân vào thời điểm chưa thích nghi với môi trường mới và trượt ngã. Như chậm mà chắc khi lạ nước lạ cái nhưng bùng nổ khi quen với trời Âu.
Những tính toán của ê-kíp đã kéo theo hai kịch bản khác nhau trời vực giữa hai tài năng lớn bậc nhất bóng đá Việt Nam suốt nhiều năm qua.
Với Huỳnh Như, thành công là tài năng đi kèm với sự chuẩn bị chu toàn nhất. Với Hải, vội vã và hào nhoáng là khởi đầu của thất bại.