Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao hàng trăm gốc bưởi của lão nông Tiền Giang vẫn xanh tươi, trĩu quả giữa hạn mặn?

(VTC News) -

Giữa hạn mặn khốc liệt, hàng trăm gốc bưởi của lão nông Tiền Giang vẫn xanh tươi, trĩu quả nhờ 4 cái ao trong vườn nhà.

Những ngày qua, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nghiêm trọng. Các ngành chuyên môn nhận định năm nay mặn xâm nhập sớm, độ mặn cao đột biến, lấn sâu hơn và vượt qua độ mặn lịch sử năm 2016.

Đến thời điểm hiện tại, trên toàn vùng ĐBSCL, diện tích lúa vụ Đông Xuân bị thiệt hại khoảng 23.000 ha. Trong đó, thiệt hại từ trên 70% là khoảng 3.500 ha.

Dù chưa ghi nhận thiệt hại nhưng hàng chục nghìn hecta cây ăn quả tại khu vực này cũng đang chịu ảnh hưởng của hạn mặn. Một số nơi, người dân phải thuê sà lan chở nước từ thượng nguồn về để cứu vườn cây ăn quả đang “khát nước”.

Thế nhưng, tại huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), những ngày này, hàng trăm gốc bưởi da xanh trĩu quả của lão nông Dương Văn Bót lại đang xanh tốt giữa hạn mặn bủa vây.

Vì sao hàng trăm gốc bưởi của lão nông Tiền Giang vẫn xanh tươi, trĩu quả giữa hạn mặn? - 1

Lão nông Dương Văn Bót bên vườn bưởi xanh tốt giữa hạn mặn.

Mới đây, trong chuyến công tác kiểm tra tình hình phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Long An và Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác cũng ghé thăm vườn bưởi của ông Bót.

Tại đây, lão nông Tiền Giang hồ hởi chia sẻ rằng dù nước ở các kênh nội đồng đã nhiễm mặn nhưng vườn bưởi nhà ông vẫn xanh tốt là nhờ ông chủ động tích trữ nước ngọt vào các ao trong vườn. Việc làm rất đơn giản này mang lại lợi ích lớn cho ông trong những ngày qua.

“Trong vườn tôi đào 4 cái ao. Cái lớn nhất bề ngang 5 mét, dài hơn 30 mét. Cách nay khoảng 20 ngày, hay tin sắp có xâm nhập mặn tôi tích trữ nước từ kênh vào các ao đã đào từ trước. Từ khi kênh nội đồng bị nhiễm mặn, tôi tưới nước hạn chế lại. Tôi tưới nước bằng hệ thống tự động. Trước đây, mỗi lần tưới là 2 tiếng nhưng giờ tôi chỉ 1 tiếng trở lại”, ông Bót thông tin.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đến thăm vườn bưởi của ông Bót.

Nhờ chủ động đào ao và tích trữ nước ngọt nên ông Bót không phải lo lắng trước hạn mặn.

Với lượng nước tích trữ được, nếu nước ở các kênh nội động nhiễm mặn thêm 2 tháng nữa thì ông Bót vẫn tự tin đủ nước ngọt tưới cho vườn bưởi.

Cải tạo, nạo vét các ao trong vườn để trữ nước ngọt để ứng phó với hạn được các nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương khuyến cáo từ lâu. Cách làm và kết quả thu được từ việc tích trữ nước của lão nông Tiền Giang một lần nữa cho thấy hiệu quả phòng chống hạn mặn đôi lúc không chỉ đến từ các công trình thủy lợi hàng chục hay hàng trăm tỷ đồng mà nó còn nằm ở sự chủ động ứng phó của chính người dân.

   

THANH TIẾN

Tin mới