Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao Hàn Quốc vô đối Olympic ở môn bắn cung, bắn súng, đấu kiếm?

(VTC News) -

Lý do thể thao Hàn Quốc giành nhiều HCV ở các môn bắn cung, bắn súng và đấu kiếm  ở Olympic đã được truyền thông nước này tiết lộ.

Tại Olympic 2024, đoàn thể thao Hàn Quốc thể hiện sự vượt trội của mình khi thâu tóm 5 HCV ở môn bắn cung tại tất cả các nội dung. Ở môn bắn súng, Hàn Quốc đã giành 3 HCV. Tại môn đấu kiếm, Hàn Quốc dẫn đầu cùng Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc) với 2 HCV. Trên thực tế, đây là 3 môn thế mạnh của thể thao Hàn Quốc ở Olympic, cũng là “mỏ vàng” của họ tại Thế vận hội, đặc biệt là môn bắn cung.

Một câu hỏi luôn được đặt ra ở các kỳ Thế vận hội gần đây là tại sao Hàn Quốc rất giỏi ở những môn thể thao này? Cách đây gần 1 tuần, đài CBS Radio của Hàn Quốc đã đăng tải với câu hỏi này và đưa ra lời giải đáp sau khi nữ xạ thủ 16 tuổi Ban Hyo Jin (bắn súng) mang về tấm huy chương vàng thứ 100 cho thể thao xứ Kim chi ở Olympic.

Đội bắn cung thống trị Olympic

"Trong số 100 HCV của Hàn Quốc ở Olympic, có 28 HCV ở môn bắn cung. Đó là kết quả đạt được thông qua một hệ thống đào tạo bài bản chứ không phải dựa vào tài năng thiên bẩm của con người”, phóng viên Park Hee-won của CBS Radio cho biết.

“Nếu bạn nhìn vào quá trình tuyển chọn đội bắn cung quốc gia, Liên đoàn bắn cung Hàn Quốc tổ chức 3 cuộc tuyển chọn mỗi năm để chọn ra 8 cung thủ nam và 8 cung thủ nữ. Sau đó họ sẽ thi đấu trong 2 trận để chọn ra 3 người đứng đầu 2 nhóm nam và nữ để trở thành thành viên của đội bắn cung quốc gia. Như vậy, để trở thành thành viên đội bắn cung, các VĐV phải trải qua 5 cuộc thi”, Park Hee-won tiết lộ.

Park Hee-won cho biết quy trình đào tạo, huấn luyện của các môn như bắn súng, đấu kiếm và bắn cung ở Hàn Quốc rất độc đáo. Ở môn bắn súng, Hàn Quốc đã sử dụng các robot bắn súng hỗ trợ đào tạo các VĐV. Robot bắn súng có thể xác định hướng và sức mạnh của gió để tối đa hóa sự tập trung và bình tĩnh của các cung thủ.

3 thành viên của tuyển bắn cung Hàn Quốc ăn mừng khi giành HCV ở nội dung đồng đội nam tại Olympic 2024

Có một số giải thích khác về việc Hàn Quốc mạnh ở 3 môn thể thao nói trên là yếu tố lịch sử, tuy nhiên theo đánh giá, việc huấn luyện và đào tạo chính là yếu tố mấu chốt giúp thể thao Hàn Quốc có HCV ở Olympic.

MC Kim Hyun-jung chia sẻ trong CBS Radio: "Có nhiều người nói rằng không phải chúng ta đã giỏi sử dụng súng, kiếm và cung kể từ thời Goryeo và Joseon sao? Một số phân tích rằng điều này có thể có trong DNA của chúng ta, nhưng sự thực thì các VĐV được đào tạo một cách có hệ thống cũng như được hỗ trợ đầy đủ để đạt thành tích cao”.

“Có thể thấy từ sức mạnh tinh thần của VĐV bắn cung Kim Je-deok, người bình tĩnh bắn điểm 10 dù bị ong đậu trên tay (trong trận bán kết đồng đội nam với Trung Quốc). Quá trình huấn luyện của đội bắn cung nổi tiếng là khắc nghiệt. Trước đây, người ta biết rằng các VĐV Hàn Quốc thường rèn luyện lòng dũng cảm như đi qua nghĩa trang vào lúc nửa đêm, nhét rắn vào quần áo và huấn luyện trong hang có rắn thả ra để không bị lung lay trước bất kỳ tình huống nào. Đặc biệt, quá trình huấn luyện nhấn mạnh vào việc các VĐV có thể bắn trúng mục tiêu ngay cả trong bối cảnh có tiếng ồn của đám đông và gió mạnh”, tờ Hankyung viết.

Tờ Chosun nói rõ hơn về tình huống Kim Je-deok không hề dao động khi con ong đậu trên tay cung thủ này ở trận bán kết với Trung Quốc tại Paris 2024. “Vào thời điểm đó, nhịp tim mỗi phút của Kim Je-deok là 80 nhịp/phút, đây là nhịp tim bình thường của một người trưởng thành khi nghỉ ngơi. Dù thời gian ngắm lâu hơn bình thường nhưng Kim Je-deok vẫn bình tĩnh nhắm và bắn mũi tên. Kết quả là mũi tên đã trúng đích chính xác 10 điểm”, tờ Chosun viết.

Bị con ong làm phiền nhưng Kim Je-deok vẫn bắn được 10 điểm

Năm 2023, tờ World Archery của Hàn Quốc viết: “Trong gần 40 năm qua, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu môn bắn cung tại Thế vận hội Olympic. Thành công bền vững như vậy là điều chưa từng có trong thể thao thế giới. Có một câu nói thường được lặp đi lặp lại, cả trong và ngoài Hàn Quốc rằng các cung thủ góp mặt vào đội tuyển Hàn Quốc còn khó hơn giành HCV Olympic”.

Theo World Archery, hầu như trường học nào ở Hàn Quốc cũng dạy bắn cung. “Có khoảng 900 cung thủ đang luyện tập trong các CLB ở các trường tiểu học trên toàn quốc - khoảng 100 CLB. Đây là mô hình đã được sử dụng cho nhiều môn thể thao ở Hàn Quốc, nhưng trong khi các đội bóng đá, bóng rổ và bóng chày ở các trường tiểu học đã đóng cửa thì môn bắn cung vẫn được duy trì”, tờ World Archery cho biết.

Theo Liên đoàn bắn cung Hàn Quốc, hầu hết các cung thủ ưu tú của Hàn Quốc đều bắt đầu chơi môn thể thao này vào khoảng 9 hoặc 10 tuổi.

Kim Je-deok, người giành HCV ở Olympic Tokyo và Paris, học bắn cung từ năm lớp 3. “Khi còn là học sinh tiểu học, tôi bắn khoảng 300 đến 500 mũi tên mỗi ngày”, Kim Je-deok tiết lộ. Theo World Archery tính toán, nếu Kim Je-deok bắn trung bình 375 mũi tên trên ngày, tập bắn trong 5 ngày rưỡi/tuần, thì trước khi giành HCV ở Olympic Tokyo, cung thủ này đã bắn gần 1 triệu mũi tên.

Theo World Archery, ngoài tài năng thiên bẩm, chính sự khổ luyện đã giúp các VĐV Hàn Quốc gặt hái thành công.

Cung thủ Kim Woo-jin, người giành HCV cá nhân môn bắn cung Olympic 2024, nói: "Hàn Quốc có hệ thống đào tạo rất vững chắc. Từ các cấp tiểu học, trung học cơ sở đến đại học và chuyên nghiệp đều có định hướng rõ ràng về cách phát triển."

Kim Woo-jin nói tiếp: "Liên đoàn bắn cung Hàn Quốc cũng rất công bằng. Tất cả các tuyển thủ đều cạnh tranh bình đẳng mà không có bất kỳ sự vi phạm nào. Ngoài ra, chủ tịch liên đoàn bắn cung cũng là rất quan tâm và ủng hộ chúng tôi. Ông ấy quan tâm đến việc làm thế nào môn bắn cung duy trì vị trí tốt nhất thế giới. Vì vậy tôi nghĩ bắn cung Hàn Quốc sẽ tiếp tục ở vị trí cao trong tương lai”.

Đứng sau thành công của tuyển bắn cung Hàn Quốc phải kể tới sự hỗ trợ của tập đoàn Hyundai. Tập đoàn này hỗ trợ môn bắn cung ở Hàn Quốc trong gần 40 năm kể từ năm 1985. Chủ tịch Hyundai Chung Eui-sun cũng là chủ tịch của Liên đoàn bắn cung Hàn Quốc (KAC) kể từ năm 2005.

Tập đoàn Hyundai và Liên đoàn bắn cung Hàn Quốc đã chuẩn bị cho Thế vận hội Paris ngay sau Thế vận hội Tokyo. Đặc biệt, họ đã xây dựng cơ sở vật chất giống hệt SVĐ bắn cung Les Gents-Valid ở Paris 2024 tại làng VĐV Jincheon. Các cung thủ Hàn Quốc đã tập luyện tập nghiêm túc để làm quen với đấu trường ở Paris 2024.

Được biết, họ còn tổ chức các cuộc thi thử trong môi trường gần giống với cuộc thi thực tế trong quá trình luyện tập.

Sàng lọc khắc nghiệt

Đội tuyển bắn súng Hàn Quốc đổi mới hệ thống tuyển chọn VĐV cho tuyển quốc gia sau khi không giành được HCV nào tại Thế vận hội Tokyo cách đây 3 năm.

Trước đó, Hàn Quốc được xem là quốc gia mạnh về môn bắn súng ở Olympic. Xạ thủ nổi tiếng nhất của họ là “hoàng đế bắn súng” Jin Jong-oh (sinh năm 1979), người đã giành 4 HCV ở Olympic, 4 HCV ở World Championships, 3 HCV ở World Cup Final, 3 HCV ở Asian Games và 3 HCV ở giải vô địch châu Á. 

Cho đến năm ngoái, việc tuyển chọn thành viên cho đội tuyển bắn súng Olympic Hàn Quốc được tổ chức với 5 vòng thi. Tuy nhiên, để chọn VĐV tham dự Thế vận hội Paris, các VĐV Hàn Quốc được sàng lọc kỹ càng hơn. Sau 5 vòng thi, các VĐV tiếp tục thi tiếp và bị loại lần lượt theo thể thức của Olympic. Mục đích là để các xạ thủ phát triển đồng đều bằng cách trải nghiệm trước sự căng thẳng và phấn khích của vòng chung kết tại Olympic 2024.

Ban Hyo-jin còn đang đi học nhưng đã giành HCV Olympic ở nội dung súng trường hơi 10m nữ tại Thế vận hội Paris 2024

Một lượng lớn xạ thủ mới đã được lựa chọn thông qua quy trình tuyển chọn này. Ví dụ điển hình là cô bé 16 tuổi Ban Hyo-jin. Trên thực tế, Ban Hyo-jin học bắn súng 3 năm, sau khi có hứng thú với môn thể thao này kể từ khi xem Olympic Tokyo vào năm 2021. Trước đó, môn thể thao mà cô bé theo tập là taekwondo. 3 năm trước, chẳng ai nghĩ Ban Hyo-jin sẽ giành tấm HCV Olympic nhưng rốt cuộc nữ VĐV này đã tạo bất ngờ lớn.

Tờ MK của Hàn Quốc viết Ban Hyo-jin: "Ban Hyo-jin, sinh năm 2007, đã theo môn bắn súng khi đang học năm thứ hai trung học. Bắt đầu theo môn bắn súng muộn hơn so với các bạn đồng trang lứa, Ban Hyo-jin đã luyện tập miệt mài theo phương châm "như thể tôi sẽ chết vào ngày mai". Khi cố gắng nhiều hơn người khác gấp 10 lần, kỹ năng của Ban đã tiến bộ thần tốc".

Sự hỗ trợ tích cực của Liên đoàn bắn súng Hàn Quốc đã dẫn đến sự tiến bộ của các xạ thủ. Liên đoàn đã làm mọi thứ có thể để cải thiện phong độ của các VĐV. Được biết, các xạ thủ Hàn Quốc đã được trải nghiệm trước trường bắn súng Olympic Paris thông qua trung tâm huấn luyện mô phỏng và bộ thực tế ảo (VR).

HLV trưởng của đội bắn súng Hàn Quốc, Jang Gap-seok, đã đưa ra lệnh cấm trong quá trình huấn luyện. Đó là cấm dùng điện thoại di động, cà phê và thuốc lá. Ông Jang đã làm gương cho các học trò nên không ai lên tiếng phản đối.

Đấu kiếm vươn tầm Olympic

Nếu như bắn cung và bắn súng là 2 môn thể thao có bề dày lịch sử ở Hàn Quốc thì đấu kiếm non trẻ hơn. Tuy nhiên tại Paris 2024, Hàn Quốc có lần thứ 3 liên tiếp giành HCV Olympic đồng đội nam ở nội dung kiếm chém.

Năm 2021, cây bút Song Sang-won cho biết: “Cho tới 10 năm trước, Hàn Quốc vẫn còn vùng đất hoang vu với môn đấu kiếm. Mặc dù VĐV Kim Young-ho đã bất ngờ giành HCV trong nội dung đấu kiếm liễu cá nhân nam tại Thế vận hội Sydney 2000, song đấu kiếm vẫn là môn thể thao thế mạnh của các nước châu Âu, bao gồm Pháp, quê hương của môn đấu kiếm, Italy và Hungary”.

“Đấu kiếm của Hàn Quốc bắt đầu nổi bật trên trường quốc tế tại Thế vận hội London 2012. Với việc giành được 2 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ tại Thế vận hội London, 1 HCV và 1 HCĐ tại Thế vận hội Rio 2016, cùng 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ tại Thế vận hội Tokyo, đấu kiếm Hàn Quốc đã gia nhập hàng ngũ cường quốc môn thể thao này”, nhà báo Song Sang-won cho biết.

Hàn Quốc giành 2 HCV môn đấu kiếm ở Olympic 2024

Sự hỗ trợ của tập đoàn SK là nguyên nhân đằng sau sự phát triển nhanh chóng của môn đấu kiếm của Hàn Quốc. SK đã hỗ trợ hiệp hội này với số tiền khổng lồ 30 tỷ won (21,9 triệu USD) trong gần 20 năm. Giống như môn bắn cung, chủ tịch của Liên đoàn đấu kiếm Hàn Quốc cũng là doanh nhân, ông Choi Shin-won, người của tập đoàn SK.

Ngoài hỗ trợ tài chính, SK còn tập trung xây dựng các chiến lược trung và dài hạn cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của đội tuyển quốc gia và kết quả là đấu kiếm Hàn Quốc đã giành được thành công đáng kể ở Olympic kể từ năm 2012.

Kể từ năm 2004, cuộc thi Đấu kiếm Grand Prix quốc tế SK Telecom được tổ chức hàng năm tại Hàn Quốc và được đánh giá đóng vai trò quyết định trong việc đưa Hàn Quốc trở thành một "cường quốc đấu kiếm".

Để chuẩn bị cho Thế vận hội Paris, SK đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các VĐV của Hàn Quốc. SK đã thiết lập cơ sở huấn luyện trước Olympic tại trung tâm huấn luyện quốc gia Jincheon. Giống như ở môn bắn cung, các cơ sở tập luyện cho các VĐV đấu kiếm này có các thông số kỹ thuật và điều kiện giống với địa điểm tổ chức Olympic 2024, bao gồm cả tiếng ồn và ánh sáng của đám đông để mô phỏng bối cảnh thi đấu thực tế.

Hơn nữa, tập đoàn đã cử một nhóm hỗ trợ, nhân viên y tế, HLV đến Paris, đồng thời tăng số lượng các chuyên gia phân tích để nâng cao thành tích của các VĐV Hàn Quốc.

Đầu năm nay, SK và Liên đoàn đấu kiếm Hàn Quốc đã mua một khách sạn gần địa điểm tổ chức đấu kiếm Olympic 2024 để làm nơi tập trung cho đội đấu kiếm Hàn Quốc.

Choi Shin-won, chủ tịch lúc bấy giờ của SK Networks và hiện là chủ tịch của Liên đoàn Đấu kiếm Hàn Quốc, đã tham dự Thế vận hội để ủng hộ và khuyến khích các vận động viên Hàn Quốc.

Kể từ khi được bổ nhiệm làm chủ tịch liên đoàn đấu kiếm Hàn Quốc vào năm 2018, ông Choi đã nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh của tuyển đấu kiếm Hàn Quốc.

Won Woo-young, HLV tuyển kiếm nam Hàn Quốc cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ của SK, tôi và các học trò có thể tham gia nhiều sự kiện quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh hơn. Tôi hy vọng những thành tựu do sự quan tâm và hỗ trợ lâu dài của tập đoàn mang lại sẽ tiếp tục được duy trì”.

Có thể thấy Hàn Quốc đầu tư lớn ở các môn bắn súng, bắn cung và đấu kiếm, chưa kể việc có 2 tập đoàn lớn hỗ trợ cho các liên đoàn bắn cung và đấu kiếm của họ. Ngoài ra, khâu đào tạo và huấn luyện của các VĐV Hàn Quốc cũng rất được coi trọng. Việc Hàn Quốc giành nhiều HCV ở Olympic 2024 tại 3 môn thể thao nói trên là điều dễ hiểu và trong tương lai, họ sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

“Người ta đánh giá rằng Hàn Quốc là dân tộc thể hiện mức độ tập trung và sự kiên trì đáng sợ khi cần, tuy nhiên các VĐV Hàn Quốc có thể thể hiện sức mạnh tinh thần vượt trội cả thế giới nhờ sự hỗ trợ khoa học và đào tạo có hệ thống”, tờ Hankyung khẳng định.

Sơn Tùng

Tin mới