Ngày 9/4, giá vàng trong nước liên tục phi mã. Cả vàng nhẫn và vàng miếng cùng tăng đến vài triệu đồng/lượng và đắt chưa từng có trong lịch sử. Đến cuối ngày, giá bán vàng nhẫn đã đạt mức 77,85 triệu đồng/lượng, còn giá vàng miếng cao nhất đạt 84,8 triệu đồng.
So với giá giao dịch đầu tháng (1/4), mỗi lượng vàng miếng tăng 4 triệu đồng, còn giá vàng nhẫn tăng tới 7 triệu đồng/lượng.
Sau một thời gian "lặng sóng" thị trường vàng trong nước đầu tháng 4 liên tục biến động, đặc biệt là giá vàng nhẫn không ngừng lập kỷ lục, gây bất ngờ cho người tiêu dùng.
Biểu đồ giá vàng những ngày đầu tháng 4.
Trả lời VTC News về nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh không ngừng, chuyên gia Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, vàng là một trong những mặt hàng hiếm hoi trên thế giới không có quốc tịch và mang tính quốc tế. Do đó, giá vàng thế giới ảnh hưởng đến giá vàng của tất cả các thị trường chứ không riêng gì Việt Nam.
Nhiều chuyên gia trên thế giới đã dự báo năm nay sẽ đón nhận nhiều con sóng lớn trên thị trường tài chính, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Các căng thẳng địa chính trị cũng tác động đến giá vàng, vốn được coi là một trong những kênh trú ẩn an toàn.
Đồng thời, các dự báo cũng cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp tới sẽ hạ lãi suất. Trước mỗi kỳ điều chỉnh lãi suất theo chiều hướng giảm, vàng sẽ được chú ý hơn hẳn. Đứng trước kỳ vọng này, giá vàng thế giới vì thế cũng tăng nóng.
Riêng tại Việt Nam, tuy không chịu tác động 100% bởi giá vàng thế giới nhưng cũng có thể chịu tác động 70 - 80%. Do đó, giá vàng chắc chắn sẽ biến động cùng chiều.
Thêm vào đó, còn có một yếu tố khác rất quan trọng đó là tâm lý đám đông. “Đây là một yếu tố tác động đến cả giá vàng trong nước và thế giới, đẩy giá vàng lên cao. Vàng là một mặt hàng toàn cầu và có giới hạn, đồng thời là hiện vật. Bỏ tiền ra mua là lập tức cầm vàng trên tay. Những đặc điểm riêng có này khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn", ông phân tích.
Giá vàng trong nước tăng không tưởng trong ngày 9/4.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng lớn bởi giá vàng thế giới. Qua theo dõi lịch sử những lần giá vàng thế giới tăng, mỗi lần Fed muốn hạ lãi suất thì các nhà đầu cơ đều kỳ vọng vào giá vàng, khiến kim loại quý này nóng lên.
Phân tích riêng về giá vàng nhẫn, chuyên gia cho rằng, do giá nguyên liệu tăng lên, đồng thời nguồn nguyên liệu đầu vào chưa đáp ứng đủ nhu cầu do các doanh nghiệp chưa được nhập khẩu vàng đã khiến vàng nhẫn ngày càng đắt đỏ.
Ngoài ra, tình trạng vàng nhẫn tăng liên tục còn do lượng người mua tăng đột biến.
Giá vàng nhẫn đang rẻ hơn rất nhiều so với giá vàng miếng. Cùng hàm lượng như nhau song nhẫn tròn trơn không được "gắn mác" độc quyền bởi Nhà nước, thông qua thương hiệu SJC như vàng miếng. Điều này dẫn đến sự chênh lệch gần chục triệu đồng giữa mỗi lượng nhẫn tròn trơn và vàng miếng SJC.
Chênh lệch càng cao sẽ tương ứng với rủi ro càng lớn khi thị trường đảo chiều. Vì thế sức hấp dẫn của vàng nhẫn với người mua lớn hơn. "Lượng người mua lớn sẽ khiến giá ngày càng tăng cao", ông Thịnh nói.
Đặc biệt, hiện tâm lý người mua đang bị ảnh hưởng bởi những đề xuất sửa đổi liên quan đến chính sách điều hành, quản lý thị trường (Nghị định 24) đối với vàng miếng. Nếu đề xuất này được thông qua thì giá vàng miếng sẽ giảm xuống mức phù hợp với xu thế thị trường hơn. Thông tin này sẽ khiến nhiều người chuyển sang tích trữ vàng nhẫn đang có giá rẻ hơn rất nhiều và tính ổn định cao hơn vàng miếng.
Có nên mua vàng lúc này?
Giữa lúc vàng trong nước đang ở mức cao chưa từng có, bàn về việc có nên mua vàng hay không, chuyên gia Huỳnh Trung Khánh nêu quan điểm: “Lời khuyên có hai vế: Nên mua - và giữ vàng lâu và rất lâu.
Trước đây, vế giữ vàng lâu là đúng nhưng đến hiện tại về này phải thêm chữ “rất", tức là vẫn nên mua vàng nhưng có thể phải giữ vàng rất lâu, từ vài năm trở lên thì mới có lãi”.
Nếu mua vàng mà chỉ giữ khoảng 2 năm trở xuống thì vẫn có khả năng có lỗ. Bởi giá vàng đang cao, chênh lệch giữa giá mua - bán cũng ở mức vài triệu đồng. Nếu chỉ giữ vàng trong thời gian ngắn thì chưa chắc đã lấp đầy được khoảng cách này.
Thêm nữa, dù vàng có tăng giá thì biên độ tăng cũng đủ lớn thì lãi mới xứng đáng. Nếu bỏ ra hàng trăm triệu mua vàng, sau 1 - 2 năm, mức tăng giá của vàng chỉ đủ lấp đầy khoảng cách giữa giá mua - giá bán và chỉ lời lãi thêm được vài trăm nghìn thì không bõ bèn gì. Mức tăng giá vàng phải đủ lớn để vừa lấp đầy khoảng cách giữa giá mua - bán và đảm bảo có lời thì phải cần một khoảng thời gian đủ lâu.
Do đó, khả năng để đầu tư vàng theo kiểu lướt sóng trong khoảng thời gian này có lãi là rất khó.
Nhiều người giao dịch, mua bán trao tay ngay phía ngoài cửa hàng vàng chiều 9/4.
Còn PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các dự báo đang chỉ ra giá vàng thế giới còn có thể tăng tới mức 2.400 - 2.500 USD/ounce. “Theo lý thuyết mà nói thì giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước sẽ tăng. Nếu như vậy thì nên chăng là nên mua vàng?
Tuy nhiên theo tôi hiện tại chỉ có yếu tố tâm lý khiến vàng thế giới nóng lên. Mua vàng thời điểm này vì thế là câu chuyện đầu tư chấp nhận rủi ro. Giá vàng thế giới khả năng cao sẽ điều chỉnh giảm khi đã tăng quá nóng, kéo theo giá vàng trong nước cũng hạ.
Do đó, thời điểm này, người dân có thể giữ vàng nhưng không nên quá ham "lướt sóng". Thay vào đó nên chờ đợi khi giá vàng điều chỉnh xuống, mua sẽ được giá tốt hơn. Còn nếu mua bây giờ, thế giới lẫn trong nước đều đang ở mức “đỉnh”, rủi ro là khá lớn", ông Thịnh nói.
Theo khảo sát của VTC News, cuối ngày 9/4, rất đông người dân ở Hà Nội đổ xô đi mua vàng. Nhiều cửa hàng đã phải giới hạn khách chỉ được mua không quá 5 chỉ. Cũng đã có hiện tượng người dân mua bán trao tay ngay ngoài cửa tiệm.
Một vị khách nói: "Hiện tại quá đông người xếp hàng, trong khi cửa hàng lại hạn chế số vàng được mua. Vì thế chúng tôi tự xem giá, rồi mang ra ngoài giao dịch, thuận mua thì vừa bán".
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
NHNN khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24 về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.