Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Phòng CSHS, Công an tỉnh Bắc Giang điều tra vụ án mạng xảy ra tại trụ sở TAND huyện khiến 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương.
Sáng 31/10, ông Ong Thân Thắng, Chánh án TAND huyện Lục Ngạn cho biết, ngày 30/10, ông đã thông báo tiếp cận công khai chứng cứ hòa giải vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là ông L.V.L. (SN 1961, trú tại thôn Chão, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) với bị đơn là anh Dư Văn Thanh (SN 1983, trú tại thôn Chính, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị L.T.H. (SN 1989, là vợ của Thanh).
Dư Văn Thanh tại cơ quan điều tra. (Ảnh Công an Bắc Giang)
Quá trình làm việc, thẩm phán Phan Văn Thể và thư ký Vũ Hữu Thơ kiểm tra, tiếp cận, công khai chứng cứ theo đúng quy định, các bên đã ký vào biên bản tiếp nhận công khai chứng cứ.
Tại phiên hòa giải, các bên không thống nhất được về việc giải quyết vụ án. Dư Văn Thanh không ký vào biên bản mà bỏ ra ngoài, sau đó bất ngờ quay lại phòng làm việc dùng dao đâm chị H. và ông L. Chị H. chết tại chỗ, ông L. bị thương.
Thẩm phán Phan Văn Thể ra can ngăn, khống chế Thanh nên bị thương ở 2 tay.
Nhiều người băn khoăn vì sao đương sự có thể mang dao vào phiên toà buổi hòa giải và dẫn tới sự cố đáng tiếc. Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Ong Thân Thắng lý giải: "Chúng tôi không có lực lượng chính quy, bài bản, không có công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật phát hiện sớm để ngăn chặn".
Theo Chánh án TAND huyện Lục Ngạn, trong các vụ hòa giải dân sự, tòa không được quyền khám người đến làm việc.
"Khi người ta chủ định đút con dao bấm dài 10cm trong túi quần, túi áo mùa đông thì khó phát hiện được, bảo vệ không thể đi hết các phòng để canh từng trường hợp được, cả cơ quan có 2 bảo vệ thay ca nhau", ông Thắng phân trần.
Chánh án TAND huyện Lục Ngạn cho biết thêm, trong phiên tòa hình sự mới có lực lượng theo dẫn giải, hỗ trợ tư pháp. Ngoài ra, các phiên tòa dân sự có tính chất nhạy cảm, phức tạp thì toà án mới ra công văn đề nghị công an tăng cường hỗ trợ.
"Những việc hòa giải hàng ngày thì công an không hỗ trợ, hơn nữa đây là vụ việc dân sự giữa bố vợ và con rể nên không ai có thể lường trước tình huống manh động đến mức đó", ông Thắng bày tỏ.
Ông Thắng chia sẻ thêm, thông qua sự việc này, Nhà nước nên quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tòa, đặc biệt là trang bị phương tiện kỹ thuật.
"Tình huống này nếu anh em không thực sự dũng cảm thì ông bố cũng chết, thẩm phán vẫn đang điều trị thương tích do can ngăn và khống chế đối tượng", ông Thắng nói.
Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật phân tích, theo quy định, không chỉ các phiên tòa hình sự mới có lực lượng công an bảo vệ.
"Tại một số phiên tòa dân sự, nếu có căn cứ cho rằng cần thiết phải có lực lượng an ninh bảo vệ phiên tòa và Tòa án có yêu cầu thì lực lượng công an cũng sẽ thực hiện việc bảo vệ phiên tòa", luật sư Bình nói.
Theo luật sư Bình, phiên hòa giải không chỉ là thủ tục bắt buộc trước khi quyết định đưa vụ việc ra giải quyết bằng phiên tòa xét xử hoặc phiên họp mà còn là một thủ tục nhằm giúp các bên đương sự hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Tại phiên hòa giải này, không có lực lượng công an bảo vệ và cũng không có khoảng cách giữa các bên nên mức độ nguy hiểm sẽ không lường được.
"Chính vì vậy, sắp tới ngành Tòa án cần có các quy định cụ thể hơn về hình thức của các phiên hòa giải này", luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.