Các phát hiện được công bố trên Tạp chí Nature ủng hộ mạnh mẽ quan điểm không nên bỏ qua lần chủng ngừa thứ 2.
Nhóm nghiên cứu đã chọn 56 tình nguyện viên khỏe mạnh và lấy mẫu máu từ họ tại nhiều thời điểm trước và sau lần tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên và thứ 2. Các nhà nghiên cứu nhận thấy mũi tiêm đầu tiên làm tăng mức kháng thể đặc hiệu SARS-CoV-2 như mong đợi, nhưng gần như không nhiều như lần tiêm thứ 2. Phát tiêm thứ 2 cũng cho những hiệu quả mà phát đầu tiên chưa hoặc không thể mang lại.
Giáo sư Pulendran, thành viên của Viện Miễn dịch, Cấy ghép và Nhiễm trùng Stanford và là giảng viên của Đại học Stanford ChEM-H cho hay: “Lần tiêm vaccine thứ 2 mang lại những tác dụng có lợi mạnh mẽ vượt xa so với lần đầu tiên. Nó kích thích sự gia tăng đa dạng mức độ kháng thể, một phản ứng tế bào T tuyệt vời không có sau lần tiêm đầu tiên, và một phản ứng miễn dịch bẩm sinh được tăng cường đáng kể".
Các tế bào T mà ông Pulendran nhắc đến là những tế bào đóng vai trò thăm dò các mô của cơ thể để tìm các tế bào mang dấu hiệu nhiễm virus. Khi tìm thấy chúng, tế bào T sẽ phá hủy các tế bào nhiễm virus đó.
Theo ông Pulendran, vaccine, đặc biệt là liều thứ 2, huy động phần lớn một nhóm tế bào, được gọi là bạch cầu đơn nhân, vốn thường khan hiếm và không hoạt động. Chúng hầu như không hoạt động để phản ứng với việc nhiễm COVID-19.
Thực tế, nhóm bạch cầu đơn nhân đặc biệt này là một phần của hệ thống miễn dịch tự nhiên, chỉ chiếm 0,01% tổng số tế bào máu lưu hành trước khi tiêm chủng. Tuy nhiên, sau lần tiêm vaccine Pfizer thứ 2, số lượng của chúng đã tăng gấp 100 lần, chiếm 1% tổng số tế bào máu. Ngoài ra, cơ địa của những người được tiêm vaccine COVID-19 lần 2 trở nên ít viêm hơn và kháng virus mạnh hơn.
“Sự gia tăng bất thường về số lượng của các tế bào này, chỉ một ngày sau khi tiêm chủng tăng cường, là điều đáng ngạc nhiên. Có thể những tế bào này không chỉ có khả năng chống lại SARS-CoV-2 mà còn chống lại các virus khác”, giáo sư Pulendran cho biết.