Trên thực tế, nhiều tòa cao ốc, chung cư không hề có tầng số 13. Điều này thật phi lý nhưng lại được chấp nhận, bạn có biết tại sao?
Trong văn hóa phương Tây, số 13 bị coi là con số xui xẻo. Vì thế trong cuộc sống, người ta thường cố gắng né con số này để phòng tránh những chuyện kém may mắn xảy ra. Sự thiếu hụt tầng 13 trong các tòa nhà là một trong những biểu hiện của tập quán này. Thật ra nếu có tầng 13 thì chắc chắn rất ít người chịu mua các căn hộ ở tầng này để sinh sống, vì thế tốt nhất là không nên xây.
Thế nên, tiếp theo tầng thứ 12, người ta đánh số luôn là tầng 14.
Trong nhiều trường hợp, để không ai phải "dính dáng" đến con số đen đủi trên mà số tầng vẫn không bị "nhảy cóc", người ta thay tầng 13 bằng tầng 12B (phía dưới tầng 12B là tầng 12A hoặc 12). Những người ở tầng 12B sẽ có cảm giác khá yên tâm. Mặt khác, do đó thực chất vẫn là tầng 13 nên giá bán căn hộ có thể rẻ hơn, đủ để coi là một sự bù đắp xứng đáng cho khách hàng chấp nhận lựa chọn.
Bạn đã biết vì sao chung cư không có tầng 13?
Nếu có lựa chọn tương đương, hẳn là nhiều người sẽ không mua căn hộ ở tầng 13, thậm chí nhiều người vẫn từ chối cả khi giá căn hộ có rẻ hơn. Tuy nhiên, các nhà phong thủy khuyên mọi người cứ yên tâm mua nhà ở tầng này.
Trong phong thuỷ, số tầng chỉ là yếu tố phụ trợ, không phải là yếu tố đến quyết định đến việc mua nhà. Để mua một căn hộ chung cư, bên cạnh giá cả, yếu tố pháp lý, gia chủ cần quan tâm đến hướng nhà, hướng ban công, thiết kế căn nhà có phù hợp không. Vì vậy, những căn nhà ở tầng 13 có hướng hợp với mệnh của gia chủ cũng nên được lưu ý.
Trên thực tế, tầng 13 ở độ cao vừa phải, không quá cao cũng không quá thấp, có view thoáng, lại thuận tiện đi lại nên mua nhà ở tầng 13 cũng rất tốt.
Số 13 là nỗi sợ của nhiều người phương Tây và ngày nay nỗi sợ này lan ra cả phương Đông. Ở Anh, Canada hay Australia, chúng ta không thể nào tìm thấy một ngôi nhà có địa chỉ số 13. Trên máy bay của Đức không có hàng ghế 13.
Trên các đường phố ở Mỹ, chúng ta cũng sẽ không bao giờ nhìn thấy những chiếc xe bus mang số 13, không có tầng 13 hay các phòng ở cũng đều không đánh số 13.
Số 13 bị coi là con số xui xẻo.
Tại sao số 13 lại khiến người ta sợ hãi đến vậy? Theo Kinh thánh, bữa tối cuối cùng Chúa Giêsu cùng ăn với các môn đồ trước khi chịu đóng đinh trên thập giá có 13 người. Người thứ 13 chính là môn đồ Judas, người phản bội Chúa Giêsu, bán ngài lấy 30 đồng bạc. Bữa tối ấy diễn ra vào ngày 13. Kể từ đó, số 13 được coi là biểu tượng của sự bất hạnh, phản bội.
Trong thần thoại Bắc Âu, thần lửa Loki đứng thứ 13 trong các vị thần, rất độc ác và xảo quyệt. Ông ta lừa dối và xúi giục vị thần bóng tối Hoder giết anh trai mình - thần ánh sáng Balder và trở thành người đưa tang thứ 13 trong đám tang. Kể từ đó, ở phương Tây xuất hiện một điều mê tín: Nếu có 13 người đến dự đám tang thì một trong số họ sẽ chết vào năm sau. Đây cũng là một trong những nguồn gốc của chứng “ám ảnh số 13”.
Các nhà toán học và khoa học cổ đại coi số 12 là con số hoàn hảo. Người Sumer cổ đại (Sumerians) dựa trên con số 12 để phát minh ra hệ thống số tính thời gian mà ngày nay vẫn còn được sử dụng, với 12 tháng trong một năm và hệ thống 12 giờ; ngoài ra còn có 12 chòm sao và 12 vị thần chính của Olympus. 12 là một con số hoàn hảo, vì vậy số 13 đứng sau nó khiến người ta cảm thấy không tốt.