“Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều như vậy trong đời. Một vết cắn lớn trên thân một con cá mập khổng lồ”, Jalil Najafov - nhà bảo tồn cá mập và nhà làm phim người Azerbaijan - nói với CNN. "Tôi đã làm việc với cá mập trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy một vết sẹo cá mập khổng lồ như vậy”.
Vào tháng 8/2019, anh Najafov đang khám phá bờ biển Mexico với một số người bạn. Cả nhóm phát hiện một con cá mập trắng lớn đang bơi sát thuyền của họ. Sau đó, họ nhận ra con cá mập này có một vết cắn bí ẩn ở bên hông.
Anh đã lặn xuống vùng nước bên dưới để ghi lại hình ảnh của con cá mập này. Najafov đã chia sẻ một trong những bức ảnh về nó trên tài khoản Instagram của mình lần đầu tiên vào cuối tháng 12/2021.
Bức ảnh về con cá mập trắng khổng lồ của anh Najafov đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. (Ảnh: jalilnajafov/Instagram)
Hình ảnh về con cá mập trắng khổng lồ được anh Najafov đăng tải đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng và làm dấy lên một cuộc tranh luận về nguồn gốc của vết sẹo.
Tiến sĩ Tristan Guttridge, lãnh đạo của tổ chức phi lợi nhuận Saving the Blue, bác bỏ giả thuyết rằng vết sẹo là do quá trình giao phối.
Theo chia sẻ của anh Najafov, Michael Domeier - người đứng đầu Viện Khoa học Bảo tồn Biển - cho biết ông "tin rằng đây là hành động gây hấn mang tính cạnh tranh", và vết sẹo sẽ lành lại sau đó.
Anh Najafov đã làm việc vài năm cho chính phủ Azerbaijan trước khi chuyển hướng sang niềm đam mê với cá mập. Mục tiêu của anh là thu hút sự chú ý của mọi người với loài sinh vật biển này và làm nổi bật vai trò quan trọng của chúng trong hệ sinh thái của hành tinh.
"Không có đại dương nào là không có cá mập và không có oxy", anh cho biết. "Cá mập không phải quái vật!".
Bên cạnh đó, anh Najafov cũng cho biết có một quan niệm sai lầm về sự nguy hiểm của cá mập.
“Các đại dương là nơi sinh sống của khoảng 500 loài cá mập khác nhau, nhưng chỉ khoảng một chục loài trong số chúng được biết tới là có khả năng gây nguy hiểm cho con người", anh chia sẻ.