Đó là những hình ảnh và cung bậc cảm xúc vô cùng quen thuộc ở làng gốm Thanh Hà (phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam), nơi du khách được "hóa thân" làm thợ gốm.
500 năm có lẻ, làng gốm Thanh Hà trải qua nhiều cuộc thịnh, suy. Từng có rất nhiều người rời làng, bỏ nghề “đất sét – bàn xoay” đi tìm kế sinh nhai mới.
Không ít người ở lại, vẫn ngày đêm thổi lửa cho lò gốm. Từ chất liệu đất sét được phù sa sông mẹ Thu Bồn bồi đắp, họ miệt mài nhào đất, tạo nên hàng trăm mặt hàng bằng gốm như chum, vại, bình rượu, bình trà, tò he...
10 năm về trước, ông Nguyễn Sáu (sinh năm 1963, khối phố Nam Diêu) chưa từng nghĩ tới chuyện trở về làng để nối nghiệp làm gốm của tổ tiên. "Hồi đó tôi bôn ba khắp nơi, theo cái nghề thợ mộc ăn nên làm ra. Chừng chục năm gần đây, bệnh tật khiến sức khỏe suy yếu, tôi quyết định dựng cơ ngơi sản xuất đồ gốm để cùng bà con trong làng tiếp tục vực dậy nghề truyền thống", ông Sáu chia sẻ.
Theo ông Sáu, ngoài hộ của ông, hiện làng còn có 32 cơ sở làm gốm với gần trăm lao động, trong đó có 5 nghệ nhân ưu tú và 1 thợ giỏi.
65 năm tuổi đời, 45 năm tuổi nghê, bà Bùi Thị Thời là một trong những "bàn tay vàng" của làng.
Bà Thời cho hay, cái khó nhất của nghề làm gốm là khâu chuốt sản phẩm.
"Để chiếc chum, chiếc vại có thể đưa vào lò nung, đảm bảo về mặt chất lượng lẫn thẩm mỹ thì người chuốt phải thực sự khéo léo và tỉ mỉ", bà Thời nhấn mạnh.
Một số chủ cơ sở hồ hởi khoe, mấy năm gần đây, sản phẩm gốm mang thương hiệu Thanh Hà chinh phục thị trường với nhu cầu tiêu thụ của khách hàng ngày một lớn. Đó là thành quả của quá trình sáng tạo không ngừng, liên tục cho ra lò những sản phẩm đa dạng, bắt mắt.
Bên cạnh đó, làng nghề tồn tại suốt 5 thế kỷ này vẫn luôn gìn giữ các sản phẩm truyền thống từng tạo nên tiếng tăm từ Nam chí Bắc.
Đặc biệt, với việc làng gốm trở thành điểm tham quan thu hút lượng lớn khách du lịch, nguồn thu nhập của bà con gắn bó với nghề cũng được cải thiện đáng kể. Đơn cử, trong năm 2018, làng gốm đón trên 600 nghìn lượt khách. Chỉ tính riêng nguồn thu từ bán vé tham quan, mỗi cơ sở làm gốm ở đây được nhận trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ dạo bước thưởng lãm các vật dụng được làm từ gốm, nhiều ông Tây bà đầm sẵn sàng để đôi tay mình lấm lem màu đất sét, để được trải nghiệm quá trình làm gốm với cái bàn xoay.
Ông Tây nhẹ nhàng cắt chiếc chén gốm ra khỏi bàn xoay.
Say sưa tạo nét hoa văn cho sản phẩm vừa được lấy ra từ bàn xoay.
Nụ cười vui sướng, tự hào của du khách sau khi tự tay mình làm ra món đồ gốm.
Du khách Australia phấn khích với chiếc bát gốm do chính mình vừa nhào nặn.