Tôi chần chừ đứng trước cánh cổng in đậm 5 chữ “Làng văn hoá làng Nghiện” rồi ái ngại hỏi đồng nghiệp đi bên cạnh: “Làng này chắc nhiều người nghiện ma tuý lắm nên mới đặt tên là Nghiện?”.
Khi đồng nghiệp chưa kịp trả lời, một người dân đi bộ ngang chúng tôi cười bảo: “Tên thế thôi nhưng làng này là làng văn hoá đấy”.
Cổng làng Nghiện.
Mang theo rất nhiều câu hỏi cũng như những băn khoăn về ngôi làng có cái tên "độc nhất vô nhị", chúng tôi tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Thời (64 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn Nghiện.
Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, bà Thời cho hay, không chỉ chúng tôi mà rất nhiều người lần đầu bước chân tới đây cũng như những ai chưa biết gốc tích của làng đều chung thắc mắc.
Nữ cán bộ thôn tự hào khoe hiện tại làng Nghiện có 86 hộ dân sinh sống với 278 nhân khẩu thì có tới hơn 90% là gia đình văn hoá. Công tác an ninh, trật tự ở làng Nghiện luôn được giữ vững, đường làng, ngõ xóm xanh – sạch – đẹp.
“Khoảng 10 năm trước, khi tôi ra trung tâm TP Hải Phòng nhận biểu dương Gia đình văn hoá, lúc MC đọc danh sách gia đình tôi ở làng Nghiện, xã Tiên Tiến (nay là xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), nhiều người trong hội trường bật cười. Tôi vừa ngại nhưng cũng cười theo”, bà Thời kể lại kỷ niệm vui với ngôi làng có cái tên dễ gây hiểu lầm khi nhắc tới.
Bà Nguyễn Thị Thời - Bí thư Chi bộ thôn Nghiện.
Lúc bà Thời sinh ra, làng đã mang tên “Nghiện”. Thế nhưng, đi gõ cửa 86 hộ dân chẳng thể tìm được một người nào nghiện hút. Ở đó, chỉ có sự hối hả của những chuyến xe chở đào, bưởi ngày Tết cho khách; cảnh tấp nập trên cánh đồng rau đang vào vụ; sự vội vã của những người nuôi tôm, cá nước lợ để kịp cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán…
Bà Thời nhẩm tính, làng có khoảng 20 hộ trồng đào, hoa Tết với tổng diện tích hàng chục nghìn m2. Đặc biệt, nghề buôn rươi xuất khẩu mang lại thu nhập cả tỷ đồng mỗi mùa đã giúp nhiều hộ đổi đời, bức tranh kinh tế của cả làng vì thế cũng khởi sắc. Bước qua cổng làng Nghiện là con đường bê tông trải dài, hai bên nhà cao, cửa rộng. Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, người dân trong làng còn đóng góp xây dựng nhiều công trình như cổng làng, đình làng...
Nói về cái tên đặc biệt của làng, bà Thời chia sẻ, các làng ở xã Quyết Tiến tên chỉ duy nhất 1 chữ như làng Ắn, làng Giáo, làng Rỗ, làng Vòng, làng Nghiện… Tương truyền, làng Nghiện vốn tên là Nghiên, làng Ắn là Ấn, ghép lại là Nghiên Ấn. Khi các cụ viết tên làng, vô tình làm rơi mực dưới chữ Nghiên. Từ đó làng mang tên làng Nghiện với rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười.
Tuy nhiên, đó chỉ là những câu chuyện truyền miệng, tên làng vẫn là sự tò mò với nhiều người.
“Những người lớn tuổi như chúng tôi vốn quanh quẩn sau luỹ tre làng và đã quen với tên “Nghiện” nên chẳng bao giờ mảy may suy nghĩ. Tuy nhiên, nhiều thanh niên đi làm việc ở những vùng quê khác, vì ngại nhắc tên làng Nghiện mà thường giới thiệu mình ở đội 3”, bà Thời tâm sự.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, các hộ dân trồng đào ở làng Nghiện tất bật với việc bán, cho thuê đào.
Cũng có người kiến nghị đổi tên làng nhưng đó chỉ là câu chuyện vui vì từ lâu hai chữ “làng Nghiện” đã ăn sâu vào máu thịt, đi cùng năm tháng tuổi trẻ của rất nhiều người và trở thành niềm tự hào của họ, trong đó có bà Thời.
Khi chúng tôi tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Bốn (64 tuổi), Trưởng thôn Nghiện, bà đang tất bật với những gói quà Tết trao cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thấy chúng tôi hỏi về tên làng Nghiện, bà Bốn nhấn mạnh, người dân trong làng rất đoàn kết, mọi người bảo nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Hơn hết, làng mang tên một tệ nạn xã hội nhưng người dân trong làng đều nói không với tệ nạn, ma tuý.
Và những người như bà Bốn, bà Thời luôn mong các thế hệ sau sẽ giữ được cái hồn cũng như nét đẹp văn hóa của làng Nghiện.