Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ủy ban Kinh tế: Tăng trưởng GDP 6,5 - 7% giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn

(VTC News) -

Theo Ủy ban Kinh tế, mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016- 2020 là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Sáng 16/10, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy  ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan kinh tế - xã hội, trong đó có đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023.

"Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: quochoi.vn).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, dù đạt được nhiều kết quả nhưng năm nay dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp.

"Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài", cơ quan thẩm tra nhìn nhận.

Ông Vũ Hồng Thanh nhắc tới thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất và logistics tăng cao.

"Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến", theo thống kê của cơ quan thẩm tra.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra nêu một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa.

Cụ thể là chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...

Về năm 2024, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán ngân sách Nhà nước, cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Kinh tế đề nghị tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.

"Tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực giám sát và quản trị rủi ro hệ thống", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế kiến nghị.

Theo đại diện cơ quan thẩm tra của Quốc hội, cần triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

"Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm", ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Anh Văn

Tin mới