Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Cần phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ

(VTC News) -

Theo Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 thống nhất cần làm mới động lực tăng trưởng cũ để thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất, đầu tư.

Chiều 19/9, phát biểu phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu.

Lý do của thực trạng này, theo Chủ tịch Quốc hội, là thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải carbon và kinh tế tuần hoàn và luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: quochoi.vn).

"Diễn đàn đều thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải "làm mới" các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ việc ban hành, thực thi các chính sách mang tính hành chính, sự vụ, phản ứng thụ động, thiếu định hướng dài hạn của đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và sẽ làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế cả về quy mô và chất lượng.

Vậy nên theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, diễn đàn cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế.

Nhất là chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Cùng đó là tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan toả, nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trong bối cảnh các nước trên thế giới đều đang cơ cấu lại chuỗi cung ứng và đầu tư cho riêng mình trong môi trường liên kết kinh tế thế giới.

"Theo tinh thần đó, các ý kiến tại diễn đàn đều nhất trí rằng cần phải tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của nền kinh tế luôn cần phải kiên định và đặt trong bối cảnh các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực "nội tại" của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả", ông Vương Đình Huệ nói.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: quochoi.vn).

Chủ tịch Quốc hội đánh giá tại diễn đàn, nhiều gợi ý chính sách quan trọng, ý nghĩa, thiết thực được đưa ra xoay quanh chủ đề của diễn đàn, nhằm hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế.

Theo đó, về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.

"Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...Phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh sức mua trong nước; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Về vận dụng, khai thác hiệu quả "ngoại lực", Chủ tịch Quốc hội cho rằng chúng ta cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Đây là những động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam, tuy nhiên đến nay đang có dấu hiệu suy giảm hoặc chậm lại.

Về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 5 động lực chủ yếu: thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế; nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

"Có thể khẳng định, những thông tin quý, hữu ích của diễn đàn với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận.

Anh Văn

Tin mới