Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 sáng nay, ngay sau phần báo cáo kinh tế - xã hội của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra.
Doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao
Báo cáo đánh giá những kết quả tích cực trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm để có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2020.
Ủy ban Kinh tế chỉ ra số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng cao. Cụ thể, trong năm 2019, số doanh nghiệp chờ giải thể là 43.700, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2018; 46.800 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, tăng 43,4% so với 2018.
Dịch Covid-19 vẫn còn nguy cơ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. (Ảnh: Hoàng Hà)
Một số dịch vụ tài chính như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý. Số dự án đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều.
Tốc độ tăng TFP ở mức thấp trong các nước ASEAN. Ngoài ra, trong bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đứng ở vị trí 76, còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
Bước sang năm 2020, Ủy ban Kinh tế cho rằng nước ta đứng trước những thách thức to lớn từ những diễn biến kinh tế - chính trị trên thế giới, nhất là diễn biến của đại dịch Covid-19.
Đối với kinh tế - xã hội, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng. Trong quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào do nhập khẩu dẫn đến nhiều lao động mất việc làm.
Trong tháng 4, số doanh nghiệp mới thành lập sụt giảm gần 47%, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do gặp khó khăn tăng 30% so với cùng kỳ.
Áp lực lạm phát
Từ đó, Ủy ban Kinh tế chỉ ra những vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo. Có ý kiến đề nghị cần báo cáo về việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá một số mặt hàng thiết yếu (như thịt lợn hơi) tại các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp mặt hàng.
Về thu ngân sách Nhà nước, việc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng với các biện pháp ưu đãi về thuế như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cũng đã làm thu ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm giảm 5,9% so với cùng kỳ.
Về đầu tư công, giải ngân vốn, để hoàn thành mục tiêu năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia vẫn còn chậm.
Có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; dự án có vốn tồn đọng, chậm giải ngân sẽ điều chuyển sang các dự án có khả năng giải ngân cao.
Về xuất khẩu, sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng thấp, bị ứ đọng rất lớn ở một số cửa khẩu. Ngoài ra, việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội.
Có ý kiến đề nghị báo cáo kết quả xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Triển khai nhanh các dự án trọng điểm
Trong những tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn.
Trong đó có kịch bản theo phương án xấu nhất với khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa thu, mùa đông, dịch bệnh trên thế giới còn kéo dài, chưa thể khống chế trong năm 2020, chưa có vaccine phòng bệnh.
Ủy ban cũng cho rằng cần đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020. Chú trọng các chỉ tiêu như CPI, thu, chi, bội chi ngân sách Nhà nước, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế. (Ảnh: Hoàng Hà)
Đồng thời đề nghị kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan Nhà nước.
Báo cáo đề nghị Chính phủ triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch.
Có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước phát triển.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân.
Cần triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM)…