Nguyễn Văn Nam (18 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình đưa đến thăm khám tâm thần sau thời gian dài sử dụng rượu, biểu hiện tinh thần kích động, hành vi bạo lực.
Nam vốn là học sinh giỏi, gia đình điều kiện kinh tế tốt, nhưng từ năm 15 tuổi bắt đầu thay đổi tính cách, xa cách bố mẹ, học hành sa sút, lén gia đình sử dụng rượu.
Dù được gia đình nhiều lần khuyên ngăn nhưng Nam không bỏ rượu. Sau những lần uống rượu, Nam đều cãi vã với bố mẹ, đập phá đồ đạc trong nhà. Bố mẹ không rõ lý do con mình trở nên như vậy.
Đỉnh điểm có lần căng thẳng đến mức gia đình muốn từ mặt Nam, không chấp nhận con nghiện rượu, ăn trộm tiền trong nhà để đi nhậu nhẹt suốt ngày. Sau nhiều lần đấu tranh, họ quyết định đưa con đi thăm khám tâm thần.
Nam tìm đến rượu khi gặp áp lực trong học tập, bố mẹ kỳ vọng quá lớn nhưng không đạt được.
Gặp bác sĩ, Nam tỏ thái độ bất cần, không chịu trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, khi yêu cầu gia đình ra ngoài, Nam mới bắt đầu chia sẻ bản thân từng một học sinh ngoan, gia đình khá giả, được nhiều người ngưỡng mộ. Bố mẹ đặt kỳ vọng cao ở cậu, nhưng càng lên cao chương trình học càng nặng, cậu không còn theo kịp các bạn. Lực học ngày càng giảm sút, cộng thêm áp lực từ kỳ vọng của gia đình khiến Nam mệt mỏi, sinh chán nản.
Không tìm ra lối thoát cho bản thân, chẳng thể chia sẻ cùng bố mẹ vì sợ gia đình thất vọng, Nam tìm đến rượu để giải toả những bí bách trong lòng, lâu dần phụ thuộc vào rượu, học hành cũng giảm sút theo.
Bố mẹ khi biết cậu uống rượu không tìm hiểu nguyên nhân mà cho rằng con học theo cái xấu của bạn bè, dẫn đến gia đình càng căng thẳng. Mỗi lần bài thi kém, cãi nhau với bố mẹ, cậu lại lén đi uống rượu, mới đầu chỉ một hai chén, sau đó lên tới 5, 6 chén rồi nửa chai.
Nam uống rượu được 3 năm, có lúc muốn bỏ nhưng cứ ngưng lại thấy cơ thể khó chịu, bồn chồn, không thể tập trung công việc. Mỗi khi về nhà nhìn thấy ánh mắt thất vọng của bố mẹ, cậu lại tìm đến rượu.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, qua thăm khám Nam được chẩn đoán nghiện rượu, phải sử dụng thuốc cai nghiện rượu kết hợp tư vấn tâm lý.
“Rượu là một trong những căn nguyên dẫn đến loạn thần, giảm nhớ, mất ngủ, tai biến, nghiện, kích động và bạo lực”, bác sĩ Thu nói và cho biết nghiện rượu trong y học được coi là bệnh lý thuộc chuyên khoa tâm thần, bởi nó gây ra những ảnh hưởng đến não bộ. Điều trị nghiện rượu cần được kết hợp giữa chuyên khoa tâm thần với các chuyên khoa khác về các bệnh lý mà rượu gây ra.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân gián tiếp gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Các hormone dậy thì của giai đoạn này kích hoạt các vùng đảm nhiệm chức năng cảm xúc, tâm lý của bộ não đang phát triển, thúc đẩy hành vi của người trẻ tuổi... Lạm dụng rượu bia trong ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể làm ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách, năng lực và hành vi xã hội.
Các bằng chứng khoa học cũng cho thấy, rượu bia tác động đến quá trình hình thành và phát triển trí não, có thể dẫn đến việc thay đổi cấu trúc của hồi hải mã (đây được xem là vùng não có vai trò quan trọng trong quá trình học tập của trẻ). Nếu vùng này bị ảnh hưởng sẽ khiến trẻ bị suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ... Bên cạnh đó rượu có thể dẫn đến các biến chứng ngộ độc rượu, bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Về lâu dài, thanh thiếu niên uống rượu bia lâu dần sẽ gây lệ thuộc, mắc nhiều bệnh mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển sức khỏe tổng thể.
Ngoài ảnh hưởng tới não bộ, tác hại của rượu bia với thanh thiếu niên còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng các bộ phận khác trong cơ thể như dạ dày, gan, tụy.
Bác sĩ Thu cho biết, dù đã có Luật cấm bán rượu cho trẻ dưới 18 tuổi nhưng tại Việt Nam vẫn còn tình trạng bố mẹ sai con đi mua bia rượu là chuyện bình thường, việc bán rượu bia cho lứa tuổi này cũng không quá lạ lẫm. Ngoài ra, do tính sẵn có của rượu bia và giá lại rẻ nên rất nhiều gia đình có thói quen tích trữ. Điều này vô hình chung lại khiến trẻ tiếp xúc với rượu bia sớm và có thể gây ra những hệ lụy khôn lường.
Vị chuyên gia cho rằng cha mẹ phải là tấm gương có trách nhiệm với hành vi uống rượu, gia đình là môi trường ảnh hưởng đầu tiên giúp trẻ có ý thức tự bảo vệ bản thân trong các tình huống tiếp xúc với bia rượu.
Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia lớn. Đối với thanh thiếu niên, tình hình tiêu thụ rượu bia cũng ở mức đáng báo động. Bác sĩ khuyến cáo, việc kiểm soát quảng cáo khuyến mại rượu bia cũng rất quan trọng trong việc hạn chế sử dụng rượu bia đối với thanh thiếu niên. Đồng thời, cần tạo một môi trường lành mạnh, bao gồm các chế tài để bảo vệ thanh thiếu niên trước việc sử dụng rượu bia ngoài ý muốn.
Bản thân gia đình phải quan tâm chia sẻ cùng con để không xảy ra trường hợp con nghiên rượu, bia do gặp áp lực từ học tập, gia đình.