Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

20 năm nghiện rượu khiến chủ xưởng mộc phá sản, rối loạn tâm thần

Anh Nam, 51 tuổi, ở Nam Định, uống rượu hơn 20 năm vào viện trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, sốt cao, run tay, vã mồ hôi.

Ngày 23/7, anh Nam đến khoa điều trị Nghiện chất, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra sức khỏe sau hơn một tuần sốt cao, nôn mửa, tinh thần hoảng loạn và hay nói chuyện một mình.

"Tôi có một vợ và hai con, một đứa đi làm xa, đứa nhỏ đang học lớp 11. Công việc chính là chủ xưởng mộc. Kể từ khi nghiện rượu, công việc của tôi trở nên khó khăn rồi phá sản, sống nhờ vợ đi làm công nhân", anh Nam kể. 

Vợ anh, chị Hoa kể trước đây anh uống rượu nhưng ít, hiền lành, chăm chỉ, chịu khó làm việc, nhờ đó có xưởng mộc riêng, kinh tế gia đình ổn định. Khoảng 7 năm trở lại, anh uống rượu nhiều hơn sau mỗi buổi làm. Anh có thói quen phải uống 2 chén rượu trước mỗi bữa cơm và hiếm khi ăn lót dạ khi đi uống rượu nên sức khỏe suy giảm, tính khí thay đổi, hay cáu gắt và không chịu làm việc. 

Khuyên bảo không được, chị Hoa tự ngâm rượu nếp cho anh uống vì sợ rượu bên ngoài không tốt cho sức khỏe. "Nhưng nhiều lần ngâm chưa ngấm thì anh ấy đã uống hết, thậm chí còn lén uống ở ngoài. Nhiều lúc tôi mệt mỏi cũng muốn mặc kệ nhưng nhìn chồng bệnh lại không nỡ", chị Hoa nói.

 Bác sĩ Hà đang thăm khám tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Nam sau 1 tuần điều trị. (Ảnh: VnExpress)

Vài tháng gần đây, anh Nam mệt mỏi, nôn mửa, sốt cao, vã mồ hôi, run tay, tinh thần hoảng loạn và hay nói chuyện một mình. Anh điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy thận, rối loạn điện giải, men gan tăng. Sau 5 ngày, anh được chuyển về khoa điều trị nghiện chất, Viện sức khỏe Tâm thần để điều trị rối loạn tâm thần.

Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Điều trị Nghiện chất, Viện sức khỏe Tâm thần, đây là bệnh nhân điển hình vừa rối loạn tâm thần vừa có vấn đề về cơ thể do uống rượu hơn 20 năm. Hiện, bệnh nhân được theo dõi điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Sau một tuần, anh tăng từ 46 kg lên 50 kg, ăn uống tốt và không còn sốt, mê sảng hay nói chuyện một mình.

Cũng là nạn nhân nghiện rượu hơn 20 năm, anh Ngọc 55 tuổi ở Hòa Bình, nhập viện trong tình trạng xơ gan, tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu giảm thấp, nguy cơ xuất huyết cao, chỉ số men gan cao gấp 4 lần người bình thường. Theo anh Ngọc, thói ép rượu thành tiêu chuẩn, "chén rượu là đầu câu chuyện" nên càng khó bỏ. 

Ngoài ra còn những bệnh nhân biến đổi nhân cách do rượu, tính cách bốc đồng, cáu gắt, dễ thay đổi, phản ứng thái quá. Đây là những người dễ gây xích mích tại địa phương nên khi nhập viện, bác sĩ phải tìm hiểu rõ để có phác đồ điều trị phù hợp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến thiệt mạng sớm và tàn tật trên thế giới. Trung bình mất khoảng một giờ để cơ thể phân hủy một đơn vị rượu.

Thời gian này có thể sớm hay muộn hơn tùy theo tuổi, cân nặng... của người uống. Rượu ảnh hưởng đến toàn bộ các bộ phận cơ thể, nặng nhất là não và hệ thần kinh trung ương, đến gan, thận, tim, dạ dày... Dạ dày hấp thu nhanh 20% rượu, sau đó đến ruột non và lên não.

Về khối lượng rượu bia tiêu thụ, thế nào được gọi là uống nhiều, uống ít rất khó để đong đếm cụ thể. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng sức khỏe tâm thần Trung ương, cho biết không có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống rượu với lượng vừa phải tốt cho sức khỏe.

Nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau và phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, đặc tính sinh học... Do đó, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ sẽ tăng lên tương ứng với lượng cồn tiêu thụ.

Nếu bắt buộc phải uống, liều lượng ít gây hại nhất mỗi ngày là một lon bia hoặc 100 ml rượu nặng và một tuần nên nghỉ hai ngày, pha kèm với đá lạnh. Phụ nữ mang thai hoàn toàn không nên uống bia rượu. Thai phụ cá biệt vẫn sử dụng rượu thì nên dưới 1-2 đơn vị một tuần và không được say.

Không nên pha trộn rượu với các loại hoa quả hay những loại nước có ga, bia, caffein... do khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.

Ngoài ra, uống rượu pha bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt khiến cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say nhưng lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy. 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Nguồn: VnExpress

Tin mới