Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Uống rượu bia sau bao lâu cơ thể mới hết nồng độ cồn?

(VTC News) -

Nhiều người băn khoăn sau khi uống rượu bia, bao lâu cơ thể không còn nồng độ cồn.

Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn sau khi uống rượu bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu, và khi nào người uống có thể tiếp tục tham gia giao thông mà không bị phạt.

Trả lời trên Báo Người Lao động, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ethanol hay rượu thông thường cơ bản là chất độc gây tổn thương não, đặc biệt là hệ thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Đã uống rượu bia thì không nên lái xe.

Bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu cũng đều ảnh hưởng tới hệ thần kinh của người sử dụng, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn. Thời gian từ lúc uống rượu đến khi có xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) khi kiểm tra phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống kéo dài, uống lúc đói.

Ngoài ra, vấn đề trên còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý, bởi có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không/

Theo một số chuyên gia, không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là "uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe" hay "sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể". Điều này phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân, từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.

Tuy nhiên đây là một số thông tin bạn cần lưu ý:

- Sau 6-12h, nồng độ cồn vẫn đo được trong máu.

- Sau 12-24h, nồng độ cồn vẫn đo được trong khí thở.

- Sau 36h vẫn đo được trong nước tiểu và sau 72h vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.

Các chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất không bị đo nồng độ cồn là người dân không nên uống hoặc hạn chế uống rượu, bia. Nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không uống quá một đơn vị cồn một ngày và không quá 5 ngày/tuần. Bởi vì không ai trả lời được chính xác sau khi uống bao lâu có thể lái xe.

Ngoài ra uống rượu bia có hại cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu uống rượu bia quá nhiều và uống trong thời gian có thể gây ra các bệnh: gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và xơ gan do rượu và thậm chí là ung thư gan.

Theo các chuyên gia, lượng cồn đi vào cơ thể ở mức an toàn là một đơn vị/ngày. Trong đó một đơn vị = 25ml thức uống chứa cồn 40 độ, hoặc 50ml thức uống chứa cồn 20 độ. Nếu vượt quá, tế bào gan hoạt động quá tải, cồn trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde - đây không chỉ là một chất độc hại đối với gan mà còn làm tổn thương đến cả hệ thần kinh, thị giác, tiêu hóa.

Vân Anh (Tổng hợp)

Tin mới