Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Uống nước lá tía tô cần lưu ý gì?

(VTC News) -

Nhiều người vẫn thường đun nước lá tía tô để uống, nhưng uống nước lá tía tô cần lưu ý gì?

Công dụng của lá tía tô với sức khoẻ

Tía tô là loại rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Tía tô được trồng ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, người dân dùng tía tô như loại gia vị và làm thuốc.

Báo Thanh Niên dẫn lời Thạc sĩ - bác sĩ y học cổ truyền Trần Thị Mỹ Linh (đang làm việc tại Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu) cho biết, uống nước lá tía tô đúng cách cơ thể bạn có thể nhận được những lợi ích sau:

Cải thiện chức năng tim mạch, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Tía tô chứa hàm lượng cao axit alpha-linoleic, một loại axit béo omega-3 có khả năng làm giảm chất béo trung tính và ức chế sự tổng hợp cholesterol nội sinh.

Điều này giúp hạ lipid máu và ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch. Axit alpha-linoleic trong tía tô còn giúp ức chế sự giải phóng tiểu cầu và serotonin, từ đó hạn chế hình thành huyết khối và giảm thiểu nguy cơ đông máu.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc duy trì hàm lượng cholesterol và triglyceride trong giới hạn an toàn là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tim mạch, đặc biệt ở người trưởng thành và người cao tuổi.

Do đó, uống nước tía tô trong một tháng có thể góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch, giúp ổn định huyết áp và bảo vệ trái tim trước các nguy cơ bệnh lý. Ngoài ra, còn có khả năng ức chế enzym phân giải đường fructose thành glucose, có tác dụng trong điều trị bệnh tiểu đường.

Tăng cường trí nhớ, cải thiện thị lực

Một trong những đặc tính nổi bật của tía tô là hàm lượng axit alpha-linoleic cao, chất này có thể chuyển hóa thành DHA (axit docosahexaenoic) - thành phần quan trọng của hệ thần kinh và võng mạc.

Uống nước tía tô đều đặn giúp bổ sung một lượng DHA từ nguồn tự nhiên, có thể hỗ trợ cải thiện trí nhớ, bảo vệ tế bào thần kinh khỏi các tác nhân gây hại và giảm nguy cơ suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi. Ngoài ra, DHA cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và các vấn đề thị giác liên quan đến tuổi tác.

Giảm triệu chứng viêm da

Tía tô chứa nhiều hợp chất chống viêm và chất chống oxy hóa giúp làm giảm các triệu chứng viêm da dị ứng và các vấn đề liên quan đến hệ miễn dịch.

Trong y học cổ truyền, tía tô được sử dụng như phương thuốc phòng và chữa bệnh, cụ thể người ta dùng lá tía tô để chữa cảm mạo, ho nhiều đờm, ngạt mũi. Các hợp chất limonene, linalool, perilla alcolhol, perilla aldehyd và β-caryophyllen trong thành phần hóa học của tinh dầu lá tía tô được nghiên cứu cho thấy có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm hiệu quả.

Ngoài ra, tía tô còn có hàm lượng chất sắt và vitamin C cao, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu và hỗ trợ hệ miễn dịch. Đặc biệt, với những người có triệu chứng cảm lạnh nhẹ như nghẹt mũi, khó chịu ở họng.

Giúp cơ thể thải độc

Việc duy trì thói quen uống nước tía tô có thể giúp cơ thể thải độc và cung cấp năng lượng một cách hiệu quả. Tía tô có khả năng thúc đẩy tiết enzyme tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, tăng cảm giác thèm ăn và hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng.

Bên cạnh đó, nhờ vào các chất chống oxy hóa, nước tía tô giúp bảo vệ tế bào khỏi tác động của các gốc tự do, từ đó giảm căng thẳng và làm cơ thể cảm thấy thoải mái, ít mệt mỏi hơn.

Nước lá tía tô tốt cho sức khoẻ tuy nhiên khi uống cần lưu ý một số điều để tốt cho sức khoẻ

Bảo vệ da

Với khả năng chống oxy hóa cao, nước tía tô giúp bảo vệ da khỏi tác động của các tác nhân gây hại từ môi trường như ánh nắng mặt trời và ô nhiễm. Các dưỡng chất từ tía tô còn giúp làm dịu làn da, giảm thiểu các phản ứng dị ứng và ngăn ngừa viêm nhiễm. Sử dụng nước tía tô thường xuyên có thể giúp trắng da, săn chắc hơn, làm chậm quá trình lão hóa và giảm thiểu nếp nhăn.

Các axit béo và vitamin E trong tía tô cũng giúp da giữ độ ẩm tự nhiên, hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào da và làm giảm tình trạng khô da. Bổ sung nước tía tô trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày là một giải pháp tự nhiên, hiệu quả để bảo vệ và nuôi dưỡng làn da từ bên trong.

Uống nước lá tía tô cần lưu ý gì?

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài - Phó Chủ tịch Hội Đông y thị xã Thái Hoà - Nghệ An cho biết, vì trong tía tô có độc tính nhất định nên khi sử dụng cần phải lưu ý:

Không nên ăn quá nhiều lá tía tô, vì trong tía tô chứa lượng lớn axit oxalic, khi axit oxalic gặp canxi và kẽm trong cơ thể con người sẽ tạo thành canxi oxalat và kẽm oxalat, cơ thể con người sẽ làm tổn thương hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và chức năng tạo máu của con người.

Tuyệt đối không ăn cá diếc nấu chung với lá tía tô vì có thể trúng độc gây ra lở loét.

Nếu dùng tía tô trong thời gian dài, người bị tỳ vị hư sẽ có triệu chứng tiêu chảy. Những người bị khí hư, âm hư không nên ăn tía tô.

Tía tô có tính cay nồng, tính ấm, người bị phong hàn (triệu chứng sốt nặng, ớn lạnh, ra mồ hôi, khát nước…), nhất là những người nóng nảy, những người khí yếu, mệt mỏi, thường xuyên cảm lạnh không nên dùng. Người bị sốt và đổ mồ hôi không nên dùng.

Tía tô còn có tác dụng nhất định trong việc làm tăng lượng đường trong máu nên người bệnh tiểu đường nên thận trọng khi sử dụng.

Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Uống nước lá tía tô cần lưu ý gì?". Hãy uống nước lá tía tô đúng cách để tốt cho sức khoẻ nhé.

Hạ An (Tổng hợp)

Tin mới