Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, xuất tinh sớm là vấn đề nhiều nam giới gặp phải. Bên cạnh việc đi khám, nam giới cũng thường tìm đến các các loại thực phẩm, dược liệu có sẵn ngoài thiên nhiên.
Từ xa xưa, lá hẹ không chỉ là thực phẩm mà nó còn được dùng làm thuốc. Các bộ phận của cây hẹ đều dùng được từ lá, hoa.
Nước lá hẹ có chữa được xuất tinh sớm?
Theo y học cổ truyền, hẹ còn có tên gọi khởi dương thảo hay cửu thai. Lá hẹ vị chua hăng, cay nhưng nấu chín là có tính ấm, tác dụng lưu thông khí huyết và cân bằng trong cơ thể, hỗ trợ chữa cảm lạnh, ho, tiểu đêm. Hẹ còn thường được sử dụng để cầm máu, giải độc, tiêu đờm, tiêu chảy, bổ thận, tráng dương, ôn trung, tán huyết.
Các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy trong lá hẹ nhiều thành phần khoáng chất như phốt pho, magiê, kẽm, canxi, vitamin C, vitamin A. Lá hẹ chứa lượng protein thực vật rất lớn. Lá hẹ còn nhiều chất xơ phòng táo bón, sâu răng, cân bằng nhóm vi khuẩn đường ruột.
Theo sách Nội kinh, Xuân - Hạ dẫn dương tức mùa xuân nên ăn các món bổ dương khí và hẹ nằm trong nhóm thức ăn đó. Việc dùng hẹ làm thực phẩm hay làm thuốc đều tốt vì đây là cây lành tính, không có độc.
Lá hẹ được sử dụng trong y học dân gian, thành phần dinh dưỡng tốt, hỗ trợ cơ thể phục hồi sức khỏe toàn thân. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều nghiên cứu khoa học cụ thể về hiệu quả của hẹ trong việc chữa xuất tinh sớm. Vì vậy, không nên dùng hẹ là phương pháp chính để cải thiện khả năng sinh lý mà chỉ nên xem đó là phương pháp hỗ trợ thêm.
Bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám, xác định nguyên nhân từ đó có giải pháp phù hợp. Tránh lạm dụng lá hẹ có thể tương tác với các loại thuốc, thức ăn hoặc gây vấn đề sức khỏe khác.
Lá hẹ không chỉ là thực phẩm mà nó còn được dùng làm thuốc. (Ảnh minh hoạ)
Những món ăn ngon từ lá hoặc hoa hẹ
Lá hẹ xào gan dê
Bạn dùng 150g gan dê xào với 100g lá hẹ. Xào chín gan dê rồi cho lá hẹ vào đảo đều tay trên lửa lớn để lá hẹ không dai. Món ăn này tác dụng chữa chứng di tinh, yếu sinh lý, xuất tinh sớm ở nam giới. Người có dấu hiệu trên có thể ăn 3-4 bữa/tuần.
Hẹ xào lươn
Bạn lấy 500g lươn làm sạch, cắt bỏ xương, xào thơm cho thêm tỏi gừng đun chín. Sau đó bạn cho thêm 300g lá hẹ vào đảo đều trên bếp khoảng 5 phút nữa rồi cho ra đĩa. Món ăn này nên ăn nóng. Món ăn giàu chất dinh dưỡng giúp bạn tăng cường sức khỏe, kích thích lưu thông khí huyết.
Hẹ xào nõn tôm hoặc tôm đồng nhỏ
Bạn lấy 300g tôm và 200g lá hẹ với gừng, tỏi và gia vị vừa đủ. Tôm sơ chế và xào chín sau đó nêm gia vị vừa ăn. Trút lá hẹ đã rửa sạch, thái khúc vào xào chín. Món ăn này vừa ngon miệng, tốt cho sức khỏe.
Ngoài các món ăn trên bạn có thể dùng lá hẹ làm gia vị cho các món ăn đơn giản như hẹ rán trứng đơn giản vẫn giữ được tác dụng.
Lá hẹ cũng kết hợp với các vị thuốc Đông y ngâm rượu uống hàng ngày 1 chén nhỏ. Bạn có thể dùng 200g lá hẹ, con ngài tằm khô 1000g, dâm dương hoắc 600g, kỷ tử 200g, kim anh tử 500g, ngưu tất 300g, ba kích 500g, thục địa 400g, sơn thù 300g, đường kính đem ngâm với 20 lít rượu.
Lưu ý hạn chế dùng hẹ vào mùa nóng, tránh dùng cùng lúc với mật ong. Người âm suy bốc hỏa hạn chế dùng hẹ. Trong bữa ăn, bạn chỉ nên ăn lá hẹ một lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều.
Trên đây là những thông tin xung quanh thắc mắc "uống nước lá hẹ có chữa được xuất tinh sớm". Bạn không nên dùng hẹ là phương pháp chính để cải thiện khả năng sinh lý mà chỉ nên xem đó là phương pháp hỗ trợ thêm. Bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám, xác định nguyên nhân từ đó có giải pháp phù hợp.