Tranh thủ những ngày tạm dừng điều trị ở viện, chị Bùi Thị Hà Thu, 32 tuổi, trú tại tiểu khu 20, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La về nhà nghỉ ngơi, dành trọn quỹ thời gian quý báu cho con trai Trung Đức (5 tuổi). Chị hiểu thời gian còn lại của bản thân ngắn ngủi nên muốn gần gũi con bất cứ lúc nào có thể.
Hà Thu tốt nghiệp trường Trung cấp An ninh nhân dân và bắt đầu công tác tại Công an huyện Mai Sơn từ năm 2012. Chị kết hôn cùng anh Đặng Trung Nghĩa vào tháng 3/2017. Khi con trai đầu lòng được 9 tháng, chị thường xuyên đau nhói ngực, dấu hiệu mỗi lúc một tăng dần nên cùng chồng xuống Hà Nội kiểm tra sức khỏe.
Chị Thu trải qua 77 lần truyền hóa chất, 2 lần xạ phẫu khối u não bằng gamma knife, 20 mũi xạ trị khối u vú. (Ảnh: GĐCC)
Kết quả, chị có khối u lớn ở ngực. "U của em là ác tính" - câu nói của bác sĩ khiến Thu chết lặng, đứng không vững. Bước lại gần vợ, anh Nghĩa an ủi “cùng nhau chiến đấu”.
Xác định tinh thần không còn nhiều thời gian để sống, nữ chiến sĩ xin bác sĩ hoãn nhập viện, trở về Sơn La tổ chức sinh nhật sớm cho con trai. Chị tranh thủ sắp xếp việc gia đình, dặn chồng cách chăm sóc con rồi quay trở lại Hà Nội để nhập viện.
Những ngày mới điều trị hoá chất, Thu đau buốt khắp cơ thể, phản ứng với tất cả đồ ăn, thức uống, nhấp ngụm nước hay ngửi mùi lạ cũng nôn. Dù vậy, chị quyết không đầu hàng, tiếp tục ăn lại, thậm chí bịt mũi vừa ăn vừa khóc bởi chị hiểu chỉ ăn mới có sức điều trị.
Những đợt truyền thuốc, cơ thể chị nổi mụn, có lúc cháy ven, bỏng rát và chảy máu cả hai tay. Đau đớn là vậy nhưng trước mặt mọi người, chị chưa bao giờ buồn bã mà thường động viên ngược, chị sợ nếu bản thân suy sụp khiến người nhà mất tinh thần.
Hơn 4 năm kiên trì điều trị, vài tháng gần đây, sức khỏe chị Thu kém hơn nhiều. Bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, di căn vào phổi, não, xương, khối u vú cũng bị loét, hoại tử, chân bị liệt và sức khỏe kém. Chị chỉ nằm một chỗ, không thể đi lại được.
Dự cảm điều không lành nên chị Thu lên kế hoạch chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy đến. Tranh thủ lúc về nhà sau thời gian dài nằm viện, chị ưu tiên dạy con tự chăm sóc bản thân khi không có mẹ ở bên. Chị yêu cầu con tuân theo lịch trình hàng ngày, rèn cách cài chuông đồng hồ để ngủ dậy đúng giờ.
Viết nhật ký cho con, kèm bức ảnh gia đình từ lúc Trung Đức vừa lọt lòng cho đến hiện tại khi sắp vào lớp 1, chị mong con trở thành chàng trai mạnh mẽ, biết thấu hiểu, yêu thương mọi người. “Con hãy cố gắng sống mạnh mẽ như cách mà mẹ đã chiến đấu với căn bệnh, mong con trở thành chàng trai thành đạt và có cuộc đời bình an", người mẹ gửi gắm đến con trai.
Không dừng lại ở đó, chị còn chuẩn bị sẵn ảnh thờ cho chính mình, hỏi han các thủ tục tang lễ cần thiết, không muốn gia đình nặng gánh lo hậu sự. “Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho người thân. Mặt khác, chuẩn bị sẵn ảnh thờ vì tôi muốn lưu giữ hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp, kiên cường trong tâm trí con mãi về sau. Bức ảnh thờ, tôi phải cười làm sao trông hiền từ nhất để sau này khi đứng trước ban thờ, con thấy thật hạnh phúc và an nhiên”, chị Thu nói.
Người mẹ trẻ khao khát được kéo dài sự sống để có thể ở bên con lâu nhất. (Ảnh: GĐCC)
Những năm qua, gánh nặng Hà Thu chịu đựng không chỉ về thể chất mà còn về kinh tế. Trên chuyến xe khách từ Sơn La xuống Hà Nội để trị bệnh, chị thường đi một mình để tiết kiệm tiền. Trước đây là trụ cột chính của gia đình, giờ chị không còn khả năng lao động, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người chồng làm thợ sửa chữa máy tính, máy in, nhưng thu nhập không đủ để sinh hoạt và chi trả tiền thuốc cho vợ.
Để có tiền đi viện mỗi tháng, gia đình phải cầm cố nhà cửa, vay tiền ngân hàng, bạn bè và hàng xóm xung quanh. Mỗi tháng, tiền thuốc và tiền đi viện của Thu hết khoảng 24 triệu đồng. Số tiền vay mượn đến nay gần 1 tỷ đồng như muối bỏ bể.
Trước khó khăn bủa vây, tính mạng mong manh như “ngọn đèn trước gió”, người mẹ trẻ khẩn cầu sự giúp đỡ từ các tấm lòng hảo tâm, để có thể có thêm cơ hội kéo dài sự sống.
Ông Bùi Nguyên Hồng, Tiểu khu trưởng tiểu khu 20, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, chị Thu là công dân ở địa phương, nhiều năm nay mắc bệnh hiểm nghèo.
Trước đây khi chưa bị bệnh, chị Thu làm trụ cột kinh tế của gia đình. Chồng không có công việc ổn định nên gia đình khó khăn.
Để cầm cự được, bệnh của Thu còn phải điều trị lâu dài, tốn kém. Thông qua truyền thông, địa phương cũng rất mong các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ để Thu có thêm kinh phí điều trị.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email toasoan@vtcnews.vn hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.