Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ứng dụng chỉnh sửa gen trong nhân giống và cải tiến cây trồng ở Việt Nam

(VTC News) -

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) vừa phối hợp Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ (USGC) tổ chức hội thảo “Chỉnh sửa gen: Bối cảnh toàn cầu và tiềm năng cho Việt Nam”.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức, bài học kinh nghiệm và thực tiễn triển khai hoạt động liên quan đến ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen trong chọn, tạo và cải tiến giống cây trồng trên thế giới và Việt Nam.

Từ thực tiễn trên thế giới

Công nghệ chỉnh sửa gen được nghiên cứu, phát triển trong hơn một thập kỉ qua cho phép các nhà khoa học “chỉnh sửa” bộ gen của cây trồng để tạo ra các tính trạng mong muốn và đã chứng minh có khả năng cải tiến giống cây trồng mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, giúp nâng cao giá trị thương mại và cải tiến các tính trạng tiêu dùng.

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các kỹ thuật nhân giống mới để cải tiến cây trồng ở Nhật Bản, GS. TS. Hiroshi Ezura, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đổi mới cây trồng Tsukuba đã đưa ra những kinh nghiệm thực tiễn về giống cà chua của Nhật Bản được chọn, tạo bằng công nghệ chỉnh sửa gen đã có sự cải thiện về chất lượng dinh dưỡng và hàm lượng GABA cao.

GABA (axit Gamma Amino Butyric) là một loại axit amin tự nhiên hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh, giúp tạo cảm giác thư thái, làm dịu sự căng thẳng và sợ hãi, đồng thời cải thiện giấc ngủ. GABA đã trở thành sản phẩm thực phẩm chức năng phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên GABA không có sẵn từ nhiều nguồn thực phẩm tự nhiên. Chính vì vậy, việc tạo ra giống cà chua mới có hàm lượng GABA tăng cao nhờ kỹ thuật chỉnh sửa gen là một thành tựu lớn, và giống cà chua này sắp tới sẽ được phát triển đại trà tại Nhật Bản.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đến tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam

Chỉnh sửa gen là lĩnh vực mới ở Việt Nam và hiện chưa có quy định quản lý về chỉnh sửa gen. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ xây dựng những quy định quản lý trong tương lai gần để thực hiện Công ước đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên, Luật đa dạng sinh học và các luật liên quan. Việt Nam sẽ học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, hợp tác, trao đổi và xây dựng giải pháp quản lý thích hợp để khai thác ứng dụng có hiệu quả công nghệ chỉnh sửa gen trong điều kiện cụ thể của Việt Nam phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong Báo cáo về Công nghệ Chỉnh sửa gen – Bối cảnh toàn cầu và tiềm năng cho Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra đề xuất nên áp dụng các định nghĩa và/hoặc các tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng để quyết định sản phẩm nào là biến đổi gen và sản phẩm nào không phải là biến đổi gen. Chính vì vậy, chính phủ Việt Nam nên tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các định nghĩa và tiêu chuẩn trong khung quy định pháp lý hiện hành để việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen không bị kiểm soát một cách bất hợp lý, tạo điều kiện để công nghệ này được phát triển tại Việt Nam.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), công nghệ chỉnh sửa gen có hai điểm khác với công nghệ biến đổi gen lớn nhất hiện nay, đó là thay vì dùng gen ngoại lai chuyển vào thì lại dùng gen của chính bản thân đưa vào nên an toàn hơn rất nhiều. Ngoài ra, có thể một lúc chỉnh sửa rất nhiều gen, phân tử tìm kiếm vùng đích, mục tiêu đa dạng.

"Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là hiện Việt Nam chưa có luật, văn kiện luật pháp bảo đảm trong khi triển vọng đối với của chỉnh sửa gen rất có tiềm năng. Các kết quả đạt được do chỉnh sửa gen mang lại so với biến đổi gen tốt hơn rất nhiều. Sàng lọc di truyền làm rất tốt, do vậy rủi ro cho sức khỏe của người dân cũng được giảm thiểu. Trong khi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan đã đưa vào luật, và áp dụng trong sàng lọc di truyền”, GS.TS Bùi Chí Bửu chia sẻ.

Quỳnh Chi

Tin mới