Hôm 22/12, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk cho biết: "Tính đến năm 1991, Ukraine là quốc gia có năng lực hạt nhân lớn thứ 3 thế giới” - đề cập đến kho vũ khí mà nước này được thừa hưởng sau khi Liên Xô sụp đổ. Ông Ruslan Stefanchuk nhấn mạnh, Kiev “đã tự nguyện từ bỏ số vũ khí này để trở thành một quốc gia phi hạt nhân hoá” vài năm sau đó.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Ukraine cáo buộc "Nga - quốc gia được xem là bên bảo đảm cho việc giải trừ quân bị, lại ám chỉ rằng nếu Ukraine tiếp tục phát triển nền dân chủ, Moskva thậm chí có thể phát động một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Kiev”.
Bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M di động của Nga. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu của ông Ruslan Stefanchuk được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang thời gian gần đây. Lãnh đạo phương Tây và Ukraine lo ngại rằng, Nga đang lên kế hoạch mở một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Kiev
Tuy nhiên, điện Kremlin nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, cho rằng hoạt động điều quân nằm trong kế hoạch diễn tập quân sự được tiến hành trên lãnh thổ Nga, nhằm ứng phó với diễn tập của NATO áp sát biên giới nước này.
Đầu tháng 12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay, “ngày càng có nhiều binh sĩ và vũ khí được đưa đến khu vực gần Donbass với sự hỗ trợ của phương Tây”. Ông cho rằng, việc Ukraine triển khai các bệ phóng tên lửa Javelin do Mỹ sản xuất sẽ là vấn đề đáng lo ngại, có thể dẫn đến cuộc chiến toàn diện ở miền Đông.
Ông Sergey Lavrov cảnh báo "Moskva sẽ thực hiện tất cả các bước đi cần thiết để đảm bảo an ninh của mình".
Theo kế hoạch dự kiến, Nga sẽ đàm phán với Mỹ và NATO về các đảm bảo an ninh mà Moskva đề ra vào tháng đầu tiên của năm 2022. Moskva yêu cầu các đảm bảo an ninh từ Washington và NATO để xoa dịu căng thẳng hiện nay.