Reuters đưa tin, ngày 17/12, Nga lần đầu đưa ra những yêu cầu chi tiết mà Moskva cho là cần thiết để giảm căng thẳng ở châu Âu, xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo đó, Nga muốn loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu, trong khi NATO rút lực lượng đa quốc gia khỏi Ba Lan, cũng như các nước vùng Baltic, trong đó có Estonia, Latvia và Litva.
Căng thẳng Nga - NATO leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây liên quan đến vấn đề Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Các đề xuất của Nga được Bộ Ngoại giao nước này công bố trong hai văn kiện - dự thảo thỏa thuận với các nước NATO và dự thảo hiệp ước với Mỹ.
Đề cập đến những yêu cầu của Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết Nga và phương Tây phải xây dựng lại quan hệ song phương. “Đường lối mà Mỹ và NATO theo đuổi trong những năm gần đây làm leo thang căng thẳng. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được và cực kỳ nguy hiểm”, ông Sergei Ryabkov nói.
Nga đã chuyển đề xuất của mình cho Mỹ trong tuần này khi căng thẳng gia tăng liên quan đến việc xây dựng quân đội Nga gần Ukraine. Phương Tây cáo buộc động thái điều quân của Moskva nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công Ukraine. Tuy nhiên, Nga nhiều lần lên tiếng bác giả thuyết này.
Tại Washington, Reuters dẫn nguồn quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ đã chuẩn bị thảo luận về các đề xuất của Nga. Tuy nhiên, người này nói "có một số điều trong các đề xuất mà Nga biết là không thể chấp nhận được".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay, Washington sẽ nói chuyện với các đồng minh về quan hệ với Nga. “Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp các nguyên tắc chính trong vấn đề an ninh châu Âu, như tất cả các quốc gia có quyền tự quyết định tương lai và chính sách đối ngoại của mình, không bị can thiệp từ bên ngoài”, bà Jen Psaki nói.
Các nhà ngoại giao NATO nói với Reuters rằng, Nga không thể có quyền phủ quyết đối với việc mở rộng của liên minh này và NATO có quyền tự quyết định thế trận quân sự của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina cho biết: “Nga không phải là thành viên của NATO và không quyết định các vấn đề liên quan đến NATO".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine cho hay, Kiev có quyền trong thực thi chính sách đối ngoại của riêng mình, chỉ nước này và NATO mới có thể xác định mối quan hệ giữa hai bên, bao gồm cả vấn đề về tư cách thành viên của Ukraine.