Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ukraine thừa nhận không thể đối phó bom thông minh của Nga

Kiev không có cách nào đối phó với bom dẫn đường chính xác cao của Nga, Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ignat thừa nhận.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Ignat cáo buộc Nga phóng tới 20 quả bom dẫn đường trên tiền tuyến mỗi ngày. Những loại bom này có thể bay xa tới 70 km và tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, cũng như các mục tiêu khác của Ukraine.

“Chúng tôi không thể đối phó với loại bom này và phòng không cũng kém hiệu quả”, người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng để ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy, Ukraine cần được cung cấp các tiêm kích bom như Su-34, Su-35 và các máy bay chiến thuật khác.

Tiêm kích bom Su-34 của Nga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Theo ông Ignat, Ukraine cần một loại vũ khí có thể tiếp cận đối phương ở khoảng cách xa hơn hiện tại. Một trong những vũ khí phòng không tầm xa nhất mà Kiev sở hữu là hệ thống tên lửa S-300 từ thời Liên Xô, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 100 km. Khả năng phòng không của Ukraine đã được tăng cường nhờ vũ khí do phương Tây sản xuất với tầm bắn 150km, tuy nhiên những vũ khí này đang ngày càng thiếu hụt.

Trước tình trạng đó, ông nhắc lại rằng vấn đề có thể được giải quyết nếu phương Tây cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu hiện đại.

“Máy bay chiến đấu F-16 có thể đối phó với máy bay Nga một cách hiệu quả dọc theo rìa của khu vực chiến sự”, ông Ignat nói.

Theo ông, F-16 có thể ngăn cản máy bay Nga tiếp cận biên giới Ukraine.

“Không nhất thiết phải bắn hạ máy bay của đối phương, nhưng chúng tôi cần có vũ khí phản công mạnh mẽ”, ông Ignat nhấn mạnh.

Tháng 2/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Ukraine hiện không cần F-16. Theo ông, Mỹ đang tập trung vào việc gửi cho Kiev “những gì quân đội của chúng tôi nghĩ rằng họ cần”, bao gồm cả xe tăng và pháo.

Từ tháng 10 năm ngoái, Moskva đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng của Ukraine, sau khi cáo buộc Kiev thực hiện một số hành động phá hoại trên lãnh thổ Nga. Moskva cũng cáo buộc Kiev đứng sau vụ đánh bom cây cầu chiến lược Crimea. Ukraine chưa từng chính thức thừa nhận đứng sau vụ tấn công này.

Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột, đồng thời đẩy họ trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc chiến

Hoàng Phạm (VOV.VN)

Tin mới