Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ukraine tăng cường đánh phá Nga bằng khí cầu

Thời gian gần đây, Ukraine tăng cường đánh phá Nga bằng khí cầu với ý đồ làm cạn kiệt kho tên lửa và đạn dược của đối phương.

Vụ tấn công mới nhất của Ukraine sâu vào lãnh thổ Nga không phải là bằng UAV, tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo mà bằng khí cầu. 

Nga bắn hạ hàng loạt khí cầu quân sự Ukraine

Trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố phòng không Nga đã bắn rơi 37 quả khí cầu Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hồi tháng 2/2022. Trong số này, nhiều quả được sử dụng trong hời gian gần đây.

Điện Kremlin thông báo, 5 quả khí cầu bị bắn hạ vào ngày 18/4/2024, 2 quả nữa vào ngày 20/4, bao gồm một quả bay xa tới tận thủ đô Moskva, cách biên giới với Ukraine là 442km. Hồi tháng 3, có một quả khí cầu nữa rơi ngay sát bên trong lãnh thổ Nga.

Một cơ sở của Nga sau khi bị UAV Ukraine tấn công. (Ảnh: Telegram)

Thiết kế loạt khí cầu này khá giống nhau: một lớp vỏ rẻ tiền, bộ truyền tín hiệu vệ tinh, vật nặng để giữ ổn định và vài kilogram thuốc nổ. Có thể mỗi quả khí cầu của Ukraine chỉ trị giá vài trăm USD, khiến đây được xem là vũ khí tầm xa rẻ nhất của Kiev. Ngoài khí cầu, kho vũ khí tầm xa của Ukraine gồm UAV tầm xa, tên lửa hành trình do Anh và Pháp chế tạo và tên lửa đạn đạo do Mỹ cung cấp.

Loạt tấn công gần đây bằng khí cầu nằm trong chiến dịch rộng lớn hơn của Ukraine tấn công vào các mục tiêu chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ Nga tới hàng trăm kilomet, cũng như tấn công vào căn cứ không quân, nhà máy vũ khí và nhà máy lọc dầu ở lãnh thổ mà Nga mới kiểm soát được từ năm 2014 đến nay.

Các thiết bị gắn bên dưới một khí cầu Ukraine tấn công Nga. (Ảnh: DanielR)

Gia tăng áp lực lên Nga cùng với tên lửa và UAV

Thời gian qua, Ukraine khẩn trương sử dụng khá nhiều pháo phản lực chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp để đánh vào các mục tiêu Nga, bao gồm các căn cứ không quân và tổ hợp phòng không trên bán đảo Crimea và khu vực miền Đông Ukraine. Mỹ được cho là đã xuất hơn 100 quả tên lửa ATACMS chính xác sang Ukraine kể từ tháng 3 vừa qua.

Cường độ tấn công của Ukraine vào căn cứ không quân Nga leo thang lên mức độ mà trong các ngày gần đây, điện Kremlin phải cho rút hàng chục máy bay chiến đấu tốt nhất của họ khỏi các căn cứ gần tiền tuyến để tái triển khai sang những căn cứ nằm cách xa biên giới Ukraine tới hàng trăm kilomet, nằm ngoài tầm với của cả tên lửa đạn đạo và hành trình của Ukraine (tuy không vượt quá tầm bay của các UAV tấn công bay xa nhất của họ).

Ý đồ thật đằng sau chiêu khí cầu bom

Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng khí cầu có ảnh hưởng mạnh lên hoạt động tác chiến của Nga.

Khí cầu quân sự gây nổ không phải là điều mới. Chúng đã bay vượt biên giới trong ít nhất 3 cuộc chiến tranh của thế kỷ qua, và cũng chưa bao giờ gây ra tác động đáng kể nào.

Lý do chính cho hiệu quả thấp của khí cầu là chúng không được dẫn đường và chỉ bay theo gió đến khi không còn bay được nữa.

Nhật Bản đã thả tới gần 300 quả khí cầu chứa đầy bom trên Thái Bình Dương vào năm 1944 và 1945. Nhưng số thương vong do những khí cầu này gây ra cực thấp, chỉ gồm người vợ của một mục sư cùng 5 học sinh của trường Sunday School trên chuyến đi đánh cá ở bang Oregon. Những người này tình cờ kích nổ khối chất nổ trên một trong các khí cầu bị rơi.

Bom khí cầu Nhật Bản hiệu quả hơn phiên bản bom khí cầu của tổ chức Hồi giáo cực đoan IS từng sử dụng ở Syria năm 2015.

Khí cầu có thể dùng cho nhiệm vụ trinh sát. Khí cầu khó điều khiển chính xác nhưng hoạt động trinh sát bằng khí cầu này có sự hỗ trợ của camera độ phân giải cao và các thiết bị thu nhận điện tử nhạy cảm, với khả năng thu thập thông tin tình báo trên hàng ngàn kilomet vuông.

Ngược lại, tấn công bằng khí cầu đòi hỏi sự chính xác cao. Bắn lệch 1m có thể tạo ra sự khác biệt giữa không kích thành công và thất bại. Do vậy, tấn công bằng khí cầu có thể là cách thức để buộc đối phương lãng phí nguồn tên lửa quý giá cho việc bắn hạ những quả khinh khí cầu rẻ tiền hơn nhiều.

Những viên chỉ huy thông minh của lực lượng phòng không Nga có thể lựa chọn phớt lờ khí cầu đối phương bay tới. Nhưng giới hoạch định tác chiến của Ukraine có khả năng lại hy vọng điều ngược lại. Ý đồ của họ ở đây dường như là buộc Nga phải căng mỏng lực lượng ra, bao gồm cả hệ thống radar và bệ phóng tên lửa đất đối không.

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở ở Washington) giải thích thêm: “Các vụ không kích bằng UAV bên trong lãnh thổ Nga có khả năng gia tăng áp lực lên các hệ thống phòng không mà Nga đang sở hữu”.

Đối với người Ukraine, áp lực gia tăng như trên sẽ tạo cơ hội cho họ. Phòng không Nga mỏng hơn dọc theo chiến tuyến sẽ đồng nghĩa với ít rủi ro cho chiến đấu cơ Ukraine bay trực tiếp trên chiến trường.

Nếu Nga lãng phí tên lửa để bắn hạ khí cầu Ukraine, họ sẽ mất nguồn lực để bắn rơi máy bay Ukraine vốn tạo mối đe dọa lớn hơn.

Trung Hiếu (Nguồn: Telegraph)

Tin mới