Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

U23 Việt Nam vượt bão áp lực, quyết bảo vệ ngai vàng SEA Games 31

(VTC News) -

U23 Việt Nam quyết tâm bảo vệ danh hiệu vô địch SEA Games trên sân nhà, tại giải đấu có thể là cuối cùng mà HLV Park Hang Seo còn nắm quyền ở đội trẻ.

Tấm huy chương vàng SEA Games không còn là nỗi ám ảnh với bóng đá Việt Nam. Tại SEA Games 30 trên đất Philippines, U22 Việt Nam đã lên ngôi vô địch thuyết phục với 7 trận bất bại xuyên suốt hành trình, vượt qua nhiều đối thủ khó nhằn như Indonesia, Thái Lan, Singapore để lần đầu tiên giành huy chương vàng môn bóng đá nam.

Thành công tại SEA Games không chỉ củng cố thêm vị thế của bóng đá trẻ Việt Nam ở đấu trường Đông Nam Á, mà còn là bệ phóng để nhiều cầu thủ sau đó chiếm được niềm tin của HLV Park Hang Seo. 

SEA Games 31 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, ở thời điểm U23 Việt Nam đang chuyển giao lực lượng. Không còn trong tay lứa cầu thủ từng làm nên kỳ tích ở Thường Châu, HLV Park Hang Seo cùng ban huấn luyện đang xây dựng đội tuyển mới.

Lứa cầu thủ mới đã sẵn sàng tận dụng SEA Games làm bàn đạp để hướng tới những mục tiêu xa hơn trong tương lai. 

U23 Việt Nam (áo trắng) có 2 trận giao hữu bổ ích với U20 Hàn Quốc. (Ảnh: Ngọc Anh) 

Áp lực

Nguyễn Thanh Bình đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Trung vệ thuộc biên chế CLB Viettel được tung vào sân ở nửa sau hiệp 2 trận lượt đi gặp Trung Quốc, để rồi mắc lỗi trong 2 bàn thua của tuyển Việt Nam.

Thanh Bình sau đó chịu sức ép, được HLV Park Hang Seo điều chuyển về đội U23 Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ 5 tháng sau đó, trung vệ sinh năm 2001 trở lại ngoạn mục. Thanh Bình đá chính ở trận gặp Nhật Bản, phòng ngự chững chạc và ghi bàn thắng bằng đầu giúp Việt Nam có trận hòa lịch sử với tỷ số 1-1. 

Từ nỗi thất vọng trước Trung Quốc đến niềm vui trước Nhật Bản, Thanh Bình đã đi chặng đường rất dài. Đó là hành trình của sự trưởng thành từ vấp váp, mà hầu hết các tuyển thủ Việt Nam đều phải vượt qua. HLV Park Hang Seo còn rất nhiều viên ngọc thô đang chờ được mài giũa như thế.

So với lứa cầu thủ đàn anh, U23 Việt Nam hiện tại không bằng ở nhiều mặt. Dịch COVID-19 khiến bóng đá Việt Nam chịu ảnh hưởng suốt 2 năm. V-League 2020 và 2021 chỉ diễn ra với tổng số trận là 32, ít hơn nhiều so với con số 52 ở điều kiện bình thường.

Thanh Bình ăn mừng bàn thắng vào lưới Nhật Bản. 

Các giải trẻ bị hoãn, chỉ số rất ít các giải được tổ chức ngắn ngày. Các cầu thủ trẻ cũng không có cơ hội sang nước ngoài cọ xát với những đối thủ mạnh. Lứa U23 Việt Nam nhiều thời điểm phải tập chay, tự chia quân đấu đối kháng. Cơ hội thi đấu để tích lũy bị thu hẹp dẫn đến những màn trình diễn không ăn ý, đơn cử ở vòng loại U23 châu Á 2022. 

Ngoài ra, thành công của lứa đàn anh (1995-1997) vô hình trung tạo sức ép lên các cầu thủ lứa sau. Trước thềm giải đấu, nhiều cầu thủ U23 Việt Nam khi được hỏi đã thừa nhận áp lực với nhiệm vụ bảo vệ thành công tấm huy chương vàng SEA Games. 

Dù vậy, áp lực giống như cơn bão. Những ngọn lửa nhỏ sẽ bị bão tố dập tắt, còn ngọn lửa lớn sẽ nương theo chiều gió mà thổi bùng lên. Chính những khó khăn hiện tại giúp HLV Park Hang Seo có "thuốc thử" liều cao cho bản lĩnh của đội U23. Ông cần những cầu thủ có ý chí, biết vươn lên như trường hợp của Thanh Bình.

Quan trọng hơn cả, lứa cầu thủ hiện tại sẽ là nòng cốt cho chiến dịch vòng loại World Cup 2026 sau đây 2 năm. Muốn gánh vác trọng trách quan trọng của bóng đá nước nhà, các cầu thủ U23 Việt Nam phải vượt vũ môn ở cửa ngõ SEA Games 31. 

Kinh nghiệm 

HLV Park Hang Seo đã tận dụng quyền bổ sung cầu thủ quá tuổi để triệu tập 3 cái tên Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Tiến Linh. Đây là sự bổ sung nhắm vào những tuyến còn yếu và thiếu của U23 Việt Nam, giúp đội bóng cải thiện chuyên môn tức thì.

Trong số 3 cầu thủ thuộc diện tăng cường, Tiến Linh (1997) và Hoàng Đức (1998) đều ở độ tuổi gần gũi với lứa U23 hiện tại. Việc giảm thiểu chênh lệch tuổi tác của các cầu thủ tăng cường với mặt bằng chung đội U23 cho phép toàn đội giữ được sự hòa hợp về cách chơi lẫn lối sống, sinh hoạt.

Kinh nghiệm của Tiến Linh sẽ giúp ích cho hàng công U23 Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Anh) 

Tiến Linh và Hoàng Đức không chỉ quen với áp lực tại SEA Games khi cùng đội U22 đăng quang cách đây 3 năm, mà còn là trụ cột của đội tuyển khi còn rất trẻ. Nhìn vào đàn anh, các cầu thủ U23 Việt Nam sẽ có thêm động lực cố gắng.

Cánh cửa luôn rộng mở cho những cầu thủ không ngừng nỗ lực, mà trường hợp của Thanh Bình hay Bùi Hoàng Việt Anh là minh chứng. 

Hùng Dũng là cầu thủ quá tuổi còn lại. Tiền vệ sinh năm 1993 là trường hợp hiếm có trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi không thường xuyên góp mặt đội tuyển trẻ ở giai đoạn đầu sự nghiệp, nhưng lại liên tục được sử dụng ở các đội trẻ khi đã quá tuổi.

Hùng Dũng đã góp mặt ở ASIAD 2018, SEA Games 30 và giờ là SEA Games 31 đều ở dạng cầu thủ quá tuổi được tăng cường cho đội trẻ. Không cầu thủ nào được HLV Park Hang Seo tin tưởng nhiều như thế.

Hùng Dũng cũng là cầu thủ hiếm hoi đang là đội trưởng đương nhiệm của cả ĐTQG và U23. Sự chuẩn mực về chuyên môn, đạo đức lẫn lối sống của Hùng Dũng được kỳ vọng là kim chỉ nam, giúp đội U23 Việt Nam đạt được sự gắn kết cả trong và ngoài sân cỏ.

Tuy nhiên, dù được tăng cường bởi các đàn anh chất lượng, nhưng có lẽ HLV Park Hang Seo chờ đợi nhóm cầu thủ U23 vẫn sẽ đóng vai chính tại SEA Games 31.

Hơn lúc nào hết, bóng đá Việt Nam cần những gương mặt mới, những luồng gió mới để tạo ra sự cạnh tranh trên đội tuyển trong tương lai gần, hay xa hơn là tìm được những ngôi sao gánh vác đội tuyển khi lứa cầu thủ hiện tại bước qua thời đỉnh cao.

Việc đan cài với lớp đàn anh chỉ đơn thuần giúp các cầu thủ trẻ tiến bộ. Nếu đội U23 phụ thuộc vào lứa đàn anh, đó là tín hiệu không vui, cho thấy cuộc chuyển giao của bóng đá Việt Nam sẽ còn đối diện nhiều khó khăn. 

Trong đội hình U23 Việt Nam hiện tại, HLV Park Hang Seo cũng có những cầu thủ đã chứng tỏ được mình. Trong khung gỗ là Nguyễn Văn Toản - thủ môn ra mắt V-League năm 2019, khi mới tròn 20 tuổi.

38 trận bắt chính tại V-League giúp Văn Toản tích lũy kinh nghiệm thi đấu, để rồi được triệu tập lên tuyển Việt Nam và có trận đầu tiên trong cuộc so tài với Oman tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 hồi tháng 10/2021.

Phía trên Văn Toản là bộ đôi trung vệ Thanh Bình - Việt Anh. Cả hai đã có chỗ đứng trong đội hình của những CLB hàng đầu (Hà Nội, Viettel) và tích lũy kinh nghiệm tại V-League. Ở hành lang cánh, Lê Văn Xuân đang tiến bộ không ngừng tính từ thời điểm được đôn lên đội 1 Hà Nội ở mùa 2020, bên cạnh Lê Văn Đô đầy tiềm năng của Phố Hiến.

U23 Việt Nam phải nỗ lực để chứng tỏ mình. 

Ở tuyến giữa, Dụng Quang Nho, Huỳnh Công Đến hay Nguyễn Hai Long đều ít nhiều thể hiện được mình ở các giải trẻ. Trên tuyến tấn công, Hồ Thanh Minh, Nguyễn Văn Tùng, Nhâm Mạnh Dũng không thiếu triển vọng.

Đây đều là những viên ngọc thô. Phải được mài giũa ở những giải đấu áp lực, HLV Park Hang Seo mới có thể thấy rõ tiềm năng của học trò. 

Thử thách 

Thách thức cho U23 Việt Nam ở SEA Games 31 chủ yếu đến từ tham vọng của U23 Thái Lan và U23 Indonesia.

Sau kỳ SEA Games 30 thất vọng, bóng đá Thái Lan không còn xem nhẹ sân chơi Đông Nam Á. Ở SEA Games 31, trưởng đoàn Nualphan Lamsam bổ nhiệm HLV Mano Polking để dẫn dắt đội U23 Thái Lan.

Kinh nghiệm 6 năm làm việc ở xứ Chùa vàng cùng thành tích vô địch AFF Cup 2020 giúp Polking được tin tưởng. Quan trọng hơn, Thái Lan muốn ngồi ghế huấn luyện đội U23 phải là lựa chọn ưu tú và phù hợp nhất. 

Đội hình U23 Thái Lan dự giải có sự xuất hiện của 3 cầu thủ quá tuổi gồm thủ môn Kawin Thamsatchanan, cùng 2 tiền vệ Worachit Kanitsribumphen và Weerathep Pomphan. Đội bóng của HLV Polking cũng có 3 cầu thủ đang khoác áo các CLB nước ngoài về thi đấu, gồm Jonathan Khemdee (CLB OB Odense), Benjamin Davis (Oxford United) và Chayapipat Suphannapeset (Estoril).

Mặt bằng chất lượng của cầu thủ trẻ xứ Chùa vàng luôn được đánh giá cao, với nền tảng tốc độ, kỹ thuật và tư duy chiến thuật tốt. Tham vọng đòi lại ngai vàng SEA Games sẽ biến "Voi chiến" trở thành đối thủ không thể bị xem thường.

U23 Indonesia cũng là đối thủ nguy hiểm. 15 cầu thủ trong đội hình dự SEA Games 31 của HLV Shin Tae-yong từng chơi tại AFF Cup 2020.

Bóng đá Indonesia có nhiều cầu thủ triển vọng, tiêu biểu có Asnawi Bahar (áo trắng xanh). 

HLV Park Hang Seo cũng nhận định so với SEA Games 30, U23 Indonesia đã mạnh hơn nhiều. 6 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài gồm Asnawi Bahar, Elkan Baggott, Egypt Maulana, Witan Sulaeman và Saddil Ramdani đều được triệu tập. 3 cầu thủ quá tuổi gồm Fachruddin Aryanto, Marc Klok và Ricky Kambuaya đều được đánh giá cao về chuyên môn, trong đó Aryanto và Kambuya đã chơi ấn tượng tại AFF Cup 2020.

Dù vậy, ngôi sao lớn nhất của U23 Indonesia là Shin Tae-yong. Nhà cầm quân người Hàn Quốc đang để lại dấu ấn khi biến đội bóng chơi có phần bản năng và bốc đồng như Indonesia trở thành tập thể chơi kỷ luật và lỳ lợm.

Tại AFF Cup 2020, Indonesia hòa Việt Nam trong trận đấu phòng ngự chặt chẽ, để rồi chiếm ngôi đầu bảng và vào tới chung kết.

Ở SEA Games 31, Liên đoàn bóng đá Indonesia giao cho thầy trò Shin Tae-yong chỉ tiêu vô địch. Trước khi tới VIệt Nam, U23 Indonesia đã đi tập huấn tại Hàn Quốc. Quá trình chuẩn bị bài bản suốt gần 1 năm qua đang tạo cho đội trẻ xứ Vạn đảo xung lực cần thiết để bứt lên. Cuộc đấu trí giữa Park Hang Seo và Shin Tae-yong hứa hẹn là tâm điểm bảng A, khi U23 Việt Nam và U23 Indonesia có màn đối đầu hấp dẫn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là U23 Việt Nam phải vượt qua giới hạn của bản thân, đồng thời HLV Park có chiến lược phù hợp cho giải đấu với mật độ dày, tiềm ẩn nhiều biến số. Ở SEA Games 30, U22 Việt Nam đã vượt qua 7 trận đấu trong 3 tuần nhờ khả năng phân phối thể lực hợp lý của cầu thủ và ứng biến tốt của BHL.

Chiến lược hợp lý sẽ giúp U23 Việt Nam một lần nữa vượt vũ môn để lên ngôi trên sân nhà.

Hồng Nam

Tin mới