Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

U23 Việt Nam thất bại, cầu thủ Việt khó xuất ngoại trong năm mới

Thất bại của U23 Việt Nam ở giải châu Á sẽ hạn chế cơ hội bước ra thế giới của cầu thủ Việt trong vài năm tới.

Hai năm trước, chiến thắng của U23 Việt Nam tại giải châu Á 2018 đã mở ra một thời kỳ xuất ngoại nhộn nhịp bậc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Trong hơn một năm sau U23 châu Á 2018, 4 cầu thủ Việt Nam ở 3 CLB khác nhau xuất ngoại, trải đều trên nhiều vị trí.

HAGL có bộ đôi Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng lần lượt thi đấu tại Hàn Quốc, Thái Lan và Bỉ; Đặng Văn Lâm sang Thái Lan trong khi Đoàn Văn Hậu đầu quân cho Heerenveen tại Hà Lan.

U23 Việt Nam không giới thiệu được gương mặt mới nào ở U23 châu Á. Những người chơi tốt nhất đều là tên tuổi cũ như Quang Hải (trái). Ảnh: Minh Chiến.

Hai năm sau, khó có một làn sóng tương tự cho cầu thủ Việt Nam sau thất bại của U23 Việt Nam ở giải châu Á 2020.

Thứ nhất, việc U23 Việt Nam dừng bước tại vòng bảng khiến sự quan tâm dành cho thầy trò HLV Park Hang-seo ở sân chơi châu Á giảm đi đáng kể. Không thể đi tiếp, không thể tiến xa, bóng đá Việt Nam mất cơ hội giới thiệu những gương mặt tốt ra thế giới. Trước đó, 3/4 hợp đồng ở trên đều thuộc về các cầu thủ U23, những người đã chơi tốt ở sân chơi châu Á. Hợp đồng còn lại của Văn Lâm được công bố trong thời gian Asian Cup, cũng là một sự kiện châu Á khác.

Do V.League chưa nằm trong phạm vi theo dõi và thống kê của nhiều kênh tuyển trạch, cộng thêm việc rất ít CLB Việt Nam được tham dự AFC Champions League hoặc AFC Cup, cầu thủ Việt thiếu đi những kênh thông tin quan trọng để tự giới thiệu bản thân với thế giới. Giới “săn người” quốc tế cũng không có nhiều cơ hội tiếp cận trình độ thực của cầu thủ Việt Nam.

Lý do thứ hai liên quan tới trình độ. Thất bại của U23 Việt Nam cho thấy trình độ của lứa cầu thủ hiện tại không bằng lứa 2018. Hai cầu thủ hay nhất của U23 Việt Nam đều là những gương mặt cũ: Nguyễn Quang Hải và Trần Đình Trọng. Bản thân U23 Việt Nam cũng không giới thiệu được gương mặt nào mới. Những xuất hiện bất ngờ kiểu Phan Văn Đức 2018 không diễn ra ở năm 2020.

Chơi tốt ở các giải châu Á là cách ngắn nhất để cầu thủ Việt Nam giới thiệu mình với thế giới. Ảnh: Minh Chiến.

Thứ ba, dòng chảy chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam cũng đang có xu hướng đảo chiều. Trước khi U23 châu Á 2020 khởi tranh, Công Phượng đã xác nhận trở lại Việt Nam thi đấu. Đồng đội của anh là Xuân Trường về nước sớm hơn từ giai đoạn 2 V.League 2019.

Nhiều cầu thủ Việt như Nguyễn Anh Đức, Phạm Đức Huy, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Quang Hải đều đã từ chối ra nước ngoài. Các ông bầu Đỗ Quang Hiển, Đoàn Nguyên Đức, những người có vai trò lớn nhất trong các quyết định xuất ngoại, cũng tỏ ra dè dặt hơn với chuyện này.

Phản ứng của họ cũng là điều hợp lý sau thất bại của hàng loạt cầu thủ Việt ở nước ngoài hai năm qua. Công Phượng, Xuân Trường hay hiện tại là Văn Hậu đều đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh ở nước ngoài dù họ là nhân tố nổi bật của “Thế hệ Thường Châu”. Thất bại của họ cho thấy bóng đá Việt cần những chiến lược chuyển nhượng đúng đắn hơn. Các cầu thủ nên tiếp tục thi đấu trong nước khi chưa có đủ hành trang cho các chuyến đi mới.

Sau thất bại của U23 Việt Nam, khả năng xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam trong vài năm tới chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều.

Nguồn: Zing News

Tin mới