Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tỷ phú Trần Bá Dương: 'Kinh doanh mà cứ chờ giải cứu thì không phải là kinh doanh'

(VTC News) -

Việc giải cứu nông sản của nhiều tổ chức xã hội khiến những nhà làm nông nghiệp cảm thấy “chạnh lòng”, bởi “làm kinh doanh mà cứ chờ giải cứu thì không phải là kinh doanh”.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Trường Hải chia sẻ như trên ở Hội nghị “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hoá nông nghiệp” tổ chức sáng 21/2 tại Hà Nội.

Chủ tịch Thaco Trường Hải: Trần Bá Dương. 

Đề xuất giải pháp, Chủ tịch Thaco cho biết người nông dân cần tham gia nền sản xuất kinh tế thị trường để có hướng sản xuất phù hợp hơn. “Khi nông dân ý thức được điều này thì mới sản xuất được theo chuỗi liên kết và doanh nghiệp sẵn sàng bảo vệ đối tác của mình. Nông dân làm cho chúng tôi, chúng tôi phải bảo vệ”, ông nói.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cơ giới hoá nông nghiệp và công nghiệp chế biến đã phát triển trong 10 năm qua với công suất khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu một năm, cùng hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Tuy nhiên, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, máy móc công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún. Nhiều chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ... chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Từ đó ông Dương nêu hai hướng để phát triển nông nghiệp Việt Nam. Một là quy mô lớn và ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với chất lượng ổn định và dựa vào phân phối tập trung ở các thị trường chiếm tỷ lệ nhất định. Hai là khi tổ chức sản xuất nhỏ hơn thì phải theo hướng tam nông, dựa trên nền tảng hữu cơ và có tính thiết thực cao. Nhưng dù theo hướng nào thì cũng phải theo yêu cầu của thị trường.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho hay có những doanh nghiệp rất muốn liên kết với nông dân, có quy trình khoa học chặt chẽ, truy xuất được nguồn gốc, có gạo ngon nhưng lại rất khó đưa vào các kênh phân phối truyền thống. “Các kênh đó là hộ gia đình và hộ kinh doanh cá thể. Nhưng đưa vào đây bị đội giá lên đến 5%”, ông Thòn nói và đề xuất Chính phủ, Tổng cục Thuế đưa hai đối tượng này vào Nghị định 91.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH chia sẻ tại hội nghị rằng nông nghiệp Việt Nam cần có thay đổi đột phá về tư duy, tránh đi theo lối mòn cũ.

“Giờ nói về công nghệ không là không đủ mà phải nói tới khoa học quản trị. Nền sản xuất của Việt Nam đi theo hướng hữu cơ. Nhưng để đạt được hữu cơ thì đó là cả một con đường dài và còn nhiều việc phải làm”, bà Hương nói và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hãy xây dựng tinh thần văn hóa doanh nhân, hài hoà lợi ích, cùng nhau phát triển.

Trước đề xuất của các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp và đặc biệt là tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam, nhằm đón bắt thời cơ mới.

Hòa Bình

Tin mới