Theo báo cáo của Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia và các ý kiến tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 11/9, công tác phòng chống dịch những ngày qua đạt nhiều kết quả đáng mừng, rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu, cho thấy việc chuyển hướng trong phòng chống dịch trong thời gian qua là đúng đắn, hiệu quả.
Trong tuần qua, tỷ lệ mắc mới COVID-19 tại cộng đồng đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số mắc cao: Đà Nẵng (giảm 60%), Bình Dương (giảm 27%), Long An (giảm 3%).
Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP.HCM giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30%, Tiền Giang giảm 70%.
So với tuần trước, các địa phương thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát dịch là: Vĩnh Long, Trà Vinh cải thiện từ nhóm 2 lên nhóm 1 và Long An, Tiền Giang cải thiện từ nhóm 3 lên nhóm 2. Riêng Kiên Giang có số mắc mới trong cộng đồng gia tăng (69,7%) so với tuần trước đó (chuyển từ nhóm 2 xuống nhóm 3).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 11/9. (Ảnh: Nhật Bắc).
Tại TP.HCM, tình hình dịch trong tuần qua đã giảm rõ rệt trên 2 tiêu chí là số mắc trong cộng đồng và số tử vong. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ. Dự kiến trong thời gian tới, thành phố sẽ giảm cả số ca nhiễm và số ca tử vong.
Tại Bình Dương, số ca mắc và số ca tử vong cũng tiếp tục giảm.
Đến nay, trên cả nước, số ca khỏi bệnh là 338.000 (chiếm 59% số mắc). Tỷ lệ tử vong tại các tầng đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại tầng 3 của các Trung tâm hồi sức tích cực; có 28 tỉnh chưa có ca tử vong.
So với tuần trước, tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng trong cả nước giảm từ 1,9% xuống 1,6%. Một số tỉnh có số mắc cao, tỷ lệ này cũng giảm mạnh: TP.HCM (giảm từ 3,7% xuống 1,4%), Long An (giảm từ 2% xuống 0,5%), Tiền Giang (giảm từ 1,2% xuống 0,2%). Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nếu không xét nghiệm diện rộng để bóc tách các F0 thì theo tính toán, Hà Nội đã có thể có hàng trăm nghìn ca nhiễm trong thời gian qua.
Hiện số lượng vaccine đã nhận là hơn 34 triệu liều, đã thực hiện tiêm được hơn 27 triệu liều. Một số địa phương có tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm ít nhất một mũi cao như TP.HCM đã tiêm 7,22 triệu liều (đạt 95-96%); Bình Dương 1,51 triệu liều (78%); Đồng Nai 1,33 triệu liều, (56%); Long An 1,46 triệu liều (100%); Hà Nội 4,04 triệu liều (61%).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngày 10/9, tốc độ tiêm vaccine đạt khoảng 1,1 triệu mũi, cao nhất từ trước tới nay. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có thêm khoảng 103,4 triệu liều vaccine về Việt Nam. Bộ Y tế đã và đang đàm phán, trao đổi với các đơn vị để cung ứng vaccine cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).