(Ảnh: AFP/TTXVN)
Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội Twitter đã yêu cầu người dùng cung cấp số điện thoại hoặc địa chỉ email để củng cố vấn đề bảo mật khi hoạt động trên nền tảng trực tuyến này. Nhưng sau đó, chính Twitter lại chuyển các thông tin đó cho các nhà quảng cáo để sàng lọc khách hàng mục tiêu.
Thỏa thuận dàn xếp giữa nhà chức trách Mỹ và Twitter nêu rõ ngoài việc nộp phạt 150 triệu USD, mạng xã hội này sẽ triển khai các biện pháp bao gồm cả việc đánh giá thường xuyên chương trình bảo mật của họ thông qua một thẩm định viên độc lập.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng yêu cầu Twitter thông báo tới tất cả những người đã tham gia mạng xã hội này trước cuối năm 2019 về quy tắc và các tùy chọn để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Thông tin cá nhân mà người dùng chuyển giao cho các công ty công nghệ và cách thức mà các công ty này sử dụng chúng vẫn là vấn đề còn nhiều tranh luận giữa các cơ quan quản lý và các "đại gia" công nghệ (Big Tech) như Meta (công ty mẹ của Facebook), Twitter và nhiều công ty khác.
Những tranh cãi về quyền riêng tư của người dùng đã dẫn đến các vụ kiện hoặc dàn xếp định kỳ, trong bối cảnh dư luận xã hội lâu nay kêu gọi cơ quan chức năng cập nhật toàn diện các quy tắc quốc gia về cách thức xử lý dữ liệu của người dùng trực tuyến.