Rác thải, phế liệu 'bủa vây' dọc tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được khởi công vào tháng 9/2010, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022 với tổng chiều dài 12,5km (gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm) với 12 nhà ga, 1 depot rộng 15,5 ha và 10 đoàn tàu. Tuy nhiên, hiện khối lượng thi công của các nhà thầu mới đạt 74,38% theo khối lượng hợp đồng xây dựng. Với việc chậm tiến độ và liên tục lỡ hẹn ngày hoàn thành, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đội vốn thêm khoảng 4.905 tỷ đồng nâng tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỷ đồng.
Dù đến nay chưa có mốc thời gian đưa vào khai thác, vận hành nhưng hạ tầng bên dưới tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã nhuốm màu cũ kỹ.
Theo ghi nhận của PV VTC News, rác thải, phế thải, vật liệu xây dựng "tập kết" tại đây khiến công trình trọng điểm Thủ đô trở nên nhếch nhác.
Thậm chí, nhiều nơi còn bị biến thành bãi rác tự phát. Từ rác sinh hoạt, rác công trình giao thông đến rác thải xây dựng đều tập trung tại đây.
"Từ lâu, đoạn đường dọc theo tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội luôn trong tình trạng ô nhiễm. Rác, phế thải xây dựng bị một số người mang tới đổ trộm tràn lan. Dù đơn vị vệ sinh môi trường thường xuyên dọn dẹp nhưng chỉ được vài ngày, rác lại ngập ngụa. Các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực này chỉ biết lắc đầu ngao ngán", bà Đặng Dung (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Các trụ cầu đen xì bởi khói của những bãi rác bị đốt ngay chân cầu.
Rác thải ngổn ngang tại các cột trụ bê tông nhem nhuốc.
Đoạn đường từ Cầu Giấy về Xuân Thuỷ, Hồ Tùng Mậu, Nhổn,... rất nhiều trụ cột bị chiếm dụng làm biển quảng cáo, hoặc vẽ bậy gây mất mỹ quan ảnh hưởng đến công trình.
Theo chị Thanh Hà (42 tuổi, người dân sinh sống gần khu vực này), dù công trình chưa vận hành nhưng do ý thức kém của một số người dẫn tới tình trạng phía dưới các chân nhà ga trở nên như vậy. "Có hộ kinh doanh ngang nhiên in tên quán ở trụ cột bê tông bên dưới nhà ga. Nhiều biển quảng cáo treo ngoài trời, mưa nắng theo thời gian bạc màu, rách nát nham nhở", chị Hà chia sẻ.
Nhiều trụ cột bê tông bị vẽ bậy, ngập ngụa rác quảng cáo.
Các hộ kinh doanh còn "hồn nhiên" phun sơn số điện thoại, địa chỉ,... ở trụ cột bê tông bên dưới nhà ga.
Tình trạng trên diễn ra trong khoảng thời gian dài, khiến nhiều người bức xúc. Họ mong chủ đầu tư sớm đưa công trình đi vào vận hành và có các biện pháp bảo vệ kết cấu công trình này.