Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tục đón Tết Dương lịch kỳ lạ ở nhiều quốc gia trên thế giới

(VTC News) -

Vào đêm giao thừa trước khi bước sang năm mới, người Đan Mạch ném bát đĩa cũ, mẻ vào cửa nhà hàng xóm, người Colombia xách vali rỗng chạy vòng quanh một khối đá...

Mỗi quốc gia đều có những phong tục đón tết riêng để cầu chúc may mắn, sức khỏe, tiền tài trong những ngày đầu năm mới. Cùng điểm lại những phong tục chào đón năm mới kỳ lạ nhất ở các nước trên thế giới.

Tây Ban Nha: Ăn nho 

Đêm giao thừa Tết Dương lịch, bên cạnh việc uống rượu chúc mừng nhau, người dân Tây Ban Nha còn có phong tục truyền thống là ăn nho xanh và ăn càng nhanh càng tốt. Sẽ có 12 chùm nho tượng trưng cho 12 tháng, thể hiện mong ước một năm mới ngọt ngào và suôn sẻ. Nho phải là nho có hạt, nếu ăn nho không hạt thì quá dễ dàng và bị xem như gian lận.

Đêm giao thừa Tết Dương lịch, người Tây Ban Nha có truyền thống ăn nho xanh, càng nhanh càng gặp nhiều may mắn.

Colombia: Xách vali chạy vòng quanh 

Người dân Colombia rất khao khát được đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Vì thế, truyền thống vào dịp cuối năm của đất nước này là xách một chiếc vali chạy vòng quanh khối đá với mong ước sang năm mới được đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều điều thú vị hơn. Và dĩ nhiên chiếc vali này chỉ mang tính chất tượng trưng, không có đồ gì ở trong.

Đức: Xem đi xem lại một bộ phim 

Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Tết Dương lịch, ngoài pháo hoa, champagne và các cuộc tụ họp gia đình, bạn bè, người Đức còn có các phong tục đón Tết rất đặc biệt như rót chì nóng chảy vào nước lạnh, dựa vào hình dạng của khối chì đông lại để dự đoán tương lai. Ngoài ra, một phần thực phẩm ăn vào đêm giao thừa sẽ được để lại trên đĩa cho đến nửa đêm, tượng trưng cho nguồn thực phẩm sẽ luôn dồi dào trong năm tới.

Từ năm 1970, cứ vào đêm giao thừa, người dân nước Đức thường có thói quen đón xem chương trình "Dinner for One" - bộ phim hài đen trắng của nước Anh,  được quay ở Đức vào năm 1963, nội dung gần như chẳng có gì liên quan đến năm mới.

Đêm giao thừa Tết Dương lịch, người dân nước Đức thường có thói quen đón xem chương trình "Dinner for One".

Romania: Nhảy múa trong lớp da gấu 

Để tránh khỏi sự quấy rầy của linh hồn ma quỷ, đêm Giáng sinh và những ngày đầu năm mới, người Romania nghĩ ra cách khoác lên người lớp da gấu thật và nhảy múa, lăn lộn đến khi “chết”, sau đó khỏe mạnh trở lại, biểu hiện mùa xuân đang tới.

Scotland: Mang than đá đi xông đất

Người Scotland và một số vùng khác của Vương quốc Anh có tục đoán may mắn dựa trên người đầu tiên bước chân vào nhà dịp Tết Dương lịch. Nếu đó là người đàn ông tóc đen, mang theo một món ăn hoặc viên than đá nghĩa là trong năm mới, gia đình sẽ rất ấm áp, hạnh phúc và không thiếu thốn.

Vào ngày Tết Dương lịch, trẻ em Scotland cũng dậy sớm, ghé thăm hàng xóm và hát vang những bài hát truyền thống. Đáp lại sự nhiệt tình đó, chủ nhà sẽ cho chúng tiền xu, bánh, táo và các đồ ngọt khác.

Các nước Nam Mỹ mặc đồ lót sặc sỡ 

Một trong những phong tục đón Tết độc đáo của nhiều quốc gia Nam Mỹ như Mexico, Bolivia, Brazil là mặc những bộ đồ lót sặc sỡ. Họ quan niệm, những gam màu này sẽ mang lại may mắn cho người mặc nó.

Màu sắc được yêu chuộng nhất là đỏ và vàng. Màu đỏ tượng trưng cho tình yêu nảy nở trong năm mới, còn màu vàng tượng trưng cho tiền bạc, của cải. Chính vì vậy, màu sắc quần lót họ chọn tượng trưng cho mong muốn của họ vào năm tới. 

Đồ lót màu đỏ rất được ưa chuộng trong năm mới ở các nước Nam Mỹ. (Ảnh: Spanishsabores)

Peru: Đánh nhau để xóa hiềm khích 

Để chuẩn bị đón Tết Dương lịch, người dân Peru thường tổ chức "Lễ hội đánh nhau" vào cuối tháng 12. Đây là dịp để nhiều người giải tỏa bức xúc mà họ phải kìm nén với hàng xóm trong suốt năm cũ. 

Phong tục đón Tết này xuất hiện từ làng Chumbilbilca, người dân chào đón năm mới bằng cách mắng chửi và đánh nhau dưới sự chứng kiến của chính quyền để đảm bảo không có ai bị thương khi có người hành động quá khích. 

Họ tin rằng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay là một cách để xóa bỏ hiềm khích trong năm cũ, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết trong năm mới. Mặc dù mang hơi hướng bạo lực, phong tục này luôn kết thúc trong sự hân hoan thân mật và đoàn kết giữa mọi người.

Đan Mạch: Đập vỡ đĩa 

Vào đêm giao thừa, người dân Đan Mạch ném bỏ những chiếc đĩa cũ kỹ, sứt mẻ vào cửa nhà hàng xóm, bạn bè của mình. Nhiều người tin rằng đây là cách giúp xua đuổi vận đen. Họ tin rằng, vào sáng mùng 1, ngoài cửa có càng nhiều đĩa vỡ thì gia chủ càng có nhiều vận may trong năm mới.

 Người Đan Mạch coi đây là cách để xóa đi những đen đủi trong năm cũ. (Ảnh: eBaum's world)

Chile: Đón giao thừa tại nghĩa trang

Các gia đình sẽ đón giao thừa tại mộ người đã khuất và sau đó cùng ngủ lại bên ngôi mộ. Phong tục đón năm mới kỳ lạ này hình thành từ năm 1995 khi một gia đình nhảy qua hàng rào nghĩa trang để vào đón năm mới cùng người thân quá cố.

Sau này, ngày càng nhiều người ở thành phố Talca đến thăm mộ người chết vào đêm giao thừa và dần hình thành phong tục đón Tết độc đáo. Giờ đây, mỗi khi giao thừa đến, người dân lại tập trung tại nghĩa trang để đón Tết cùng người thân đã khuất.

Czech: Dự đoán năm mới với trái táo

Đêm Giáng sinh hoặc đêm mừng năm mới, mọi người trong gia đình quầy quần tại bàn ăn, trên bàn có một quả táo được cắt làm đôi. Người Czech tin rằng, nếu lõi quả táo có hình ngôi sao thì năm đó những người có mặt sẽ có sức khỏe dồi dào và gặp nhiều may mắn. Còn nếu quả táo có hình cây thánh giá đan chéo, e rằng năm đó sẽ có người không được khỏe mạnh.

Các nước Đông Âu: Ngâm mình trong nước lạnh 

Ngâm mình trong hồ nước phủ đầy băng tuyết với một nhánh cây trên tay là phong tục đón Tết của người dân một số nước Đông Âu. Sau khi “đắm mình” trong làn nước lạnh, họ sẽ thưởng thức những ly rượu vodka để làm ấm lại cơ thể. 

Một số khu vực ở Siberia còn trồng cây dưới nước. Họ cắt một lỗ trên lớp băng phủ trên hồ Baikal, sau đó đem theo một cái cây rồi lặn xuống đáy hồ và trồng nó. Tuy nhiên, phong tục này chỉ dành cho những thợ lặn chuyên nghiệp. Người ta tin rằng ngâm mình dưới nước là thử thách đo sức chịu đựng, sự rắn rỏi và sức đề kháng của mọi người trước khi bắt đầu năm mới.

Nhiều người Đông Âu chọn ngâm mình trong nước lạnh để đón năm mới. (Ảnh: iStock)

Hungary: Không giặt quần áo ngày Tết

Theo người Hungary thì giao thừa được gọi là “Silvester”. Họ gây tiếng ồn thật lớn để xua đuổi ma quỷ, tuyệt đối kiêng giặt quần áo vào ngày đầu năm mới để tránh  xui xẻo…

Những quan niệm về Tết của người Hungary có nhiều điểm tương đồng với người châu Á: Nếu vị khách xông nhà vào năm mới là nam giới, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn trong cả năm và ngược lại.

L.A (Tổng hợp)

Tin mới