Tuấn Hiệp là học trò cưng của NSND Quang Thọ. Tốt nghiệp nhạc viện loại xuất sắc và được kỳ vọng ở dòng nhạc Opera nhưng Tuấn Hiệp đã chọn con đường hoàn toàn khác.
Cùng với Tùng Dương, Lệ Quyên phát hành album Mắt biếc, Tuấn Hiệp chính thức bước vào lãnh địa nhạc xưa năm 2006.
Với sự trở lại mạnh mẽ của dòng nhạc xưa, Tuấn Hiệp dần khẳng định con đường của anh rõ ràng hơn với 4 CD Tuấn Hiệp và những tình khúc Đoàn Chuẩn Từ Linh, Bơ vơ, Nếu một ngày, Còn yêu em mãi và một vị trí nhất định trong lòng khán giả yêu nhạc trữ tình tại Hà Nội và cả nước.
Sau hơn 10 là giọng ca chính tại Nhà hát Quân đội và Nhà hát Ca nhạc nhẹ Trung ương, Tuấn Hiệp xin ra khỏi nhà nước vào năm 2010 và trở thành ca sỹ tự do, kinh doanh nhà hàng và phòng trà ca nhạc.
Những năm gần đây, Tuấn Hiệp mạnh dạn ‘tấn công’ thị trường ca nhạc miền Nam để theo đuổi con đường đã chọn - dòng nhạc bolero. Không ồn ào trên báo chí hay PR bản thân, Tuấn Hiệp chọn cách lặng lẽ hoạt động nghệ thuật, sống với đam mê của mình.
- Là trò cưng của NSND Quang Thọ, một ca sỹ được đào tạo bài bản ở nhạc viện, anh có gặp trở ngại gì không khi chọn theo đuổi dòng nhạc bolero?
Tôi nghĩ mỗi ca sỹ đều phải tự biết tìm con đường đi riêng cho chính mình. Thầy giáo chỉ dạy cho kiến thức, kỹ thuật thanh nhạc và truyền cho nhiệt huyết để theo nghề.
Tôi học được ở NSND Quang Thọ rất nhiều điều ở trong nhà trường cũng như trong cuộc sống nên những gì tôi làm trong âm nhạc đều có sự khích lệ từ thầy.
Đương nhiên, tôi sẽ không bao giờ làm điều gì để thầy phải phiền lòng mà tôi luôn được thầy động viên mỗi khi có những sản phẩm âm nhạc mới.
Tôi luôn tự tin hát những tác phẩm và dòng nhạc mà mình đã chọn bởi cho dù là nhạc bình dân hay những tác phẩm kinh điển thì mục đích cuối cùng là phải có công chúng nghe nhạc.
Họ là những người quyết định sự thành công của 1 ca sỹ nên cho dù là một bác kéo xích lô hay một cô nhân viên quét rác đến nghe tôi hát thì tôi cũng hát hết lòng và dành cho họ những tình cảm trân trọng nhất.
- Nhưng trong giới nghệ sỹ hoạt động nghệ thuật, hẳn họ cũng phân biệt và có cái nhìn không hay về bolero (nhạc sến)?
Dòng nhạc bolero là thể loại nhạc dành cho giới bình dân nghe, ở đây ca từ dễ nghe, dễ hiểu, gần với đời sống và cảm xúc người dân hơn.
Những tác phẩm ở trong nhà trường thì đều là những tác phẩm kinh điển, âm nhạc luôn thể hiện ở đỉnh cao kỹ thuật của tác phẩm nên đôi khi có những học sinh cuồng tín cái sự cao siêu trong nghệ thuật mà coi thường những tác phẩm đơn giản và bình dân.
Tuy nhiên, họ quên mất một điều: âm nhạc là phải dành cho công chúng nên phải biết dùng kỹ thuật phức tạp trong nhà trường để làm hay cái đơn giản trong tác phẩm, mang tới gần hơn người nghe là những khán giả bình dân hiện chiếm phần lớn tại Việt Nam.
Theo tôi biết thì bây giờ quan niệm về bolero đã gần gũi và thân thiện hơn rất nhiều rồi vì thực tế không phải ca sỹ nào cũng hát được dòng nhạc này vì nó cũng rất khó thể hiện, khó nhất là phải có tâm hồn và cảm xúc.
Gần đây cũng có nhiều ca sỹ ở các dòng nhạc khác sang hát bolero nhưng thực tế, đó chỉ là cách dạo chơi hay làm mới nhạc bolero bằng cách hoà âm mới hay làm mới mình bằng âm nhạc cũ nên ít thành công, chỉ duy nhất Lệ Quyên vì cô ấy có tố chất thực sự.
- Cùng làm chung album và theo đuổi dòng nhạc xưa như Lệ Quyên, anh thấy mình có chậm trễ khi ‘Nam tiến’ muộn hơn?
CD Mắt biếc gần như là tiền đề để 3 chúng tôi bước vào con đường hát dòng nhạc xưa tự tin hơn.
Mỗi người đều chọn con đường đi riêng cho chính mình và sự thành công của mỗi người đều trải qua những thử thách và tính toán riêng.
Sự thành công trong sự nghiệp của mỗi người đều có những giá trị khác nhau mà nếu so sánh thì thật là khó.
Nhưng trong thời điểm này, tôi luôn tự hào về sự thành công của 2 người em mà tôi rât quý mến: Tùng Dương và Lệ Quyên đều là ngôi sao hạng A.
Tôi rất thích nghe Tùng Dương và Lệ Quyên hát Tình ca và đường nhiên tôi cũng thích nghe chính mình hát.
- So với những ca sỹ theo đuổi dòng nhạc xưa, anh tự đánh giá lợi thế và bất lợi của mình thế nào?
Lợi thế của tôi ở dòng nhạc này là hiểu tác phẩm vì tôi có cơ hội được gặp gỡ và tiếp xúc với tác giả nhiều nên có thể hỏi cặn kẽ tác giả về hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa tác phẩm…
Ví dụ, khi làm CD Đoàn Chuẩn - Từ Linh thì tôi có cơ hội tiếp xúc với người thân và gia đình nhạc sỹ Đoàn Chuẩn để hỏi và tìm hiểu kỹ về những tác phẩm của ông; hát nhạc Nguyễn Ánh 9 thì tôi cũng tìm đến ông như những người bạn trong âm nhạc để hỏi ông về tác phẩm.
Đã đam mê và say sưa thì ở bất kỳ dòng nhạc nào cũng thành công nên tôi nghĩ không có gì bất lợi cả nếu mình có lòng quyết tâm và sự kiên nhẫn.
Do vậy, những dự án sắp tới của tôi cũng sẽ vẫn là nhạc xưa trữ tình, nếu không có gì thay đổi năm 2014 tôi phát hành CD Nguyễn Ánh 9 acoustic và CD Phú Quang với chỉ một ghi-ta thùng.
- Ra mắt những sản phẩm âm nhạc liên tiếp nhưng đến nay, vì sao anh chưa tổ chức liveshow lớn cho riêng mình?
Trong cuộc đời làm ca sỹ chuyên nghiệp thì liveshow là một ước mơ của mỗi người.
Làm liveshow đương nhiên là có lợi về truyền thông để quảng bá tên tuổi và giọng hát của mình được bay xa hơn. Nên các ca sỹ dù có tên tuổi hay không tên tuổi thì họ vẫn làm.
Đương nhiên không phải liveshow nào cũng bán được vé nên lỗ là chuyện thường gặp, nhưng cũng có những ca sỹ họ làm liveshow để thu tiền về vì họ có lượng fan nhất định.
Tôi cũng muốn làm liveshow nhưng tôi là người luôn ước mơ tới những gì mà trong tầm kiểm soát của mình, khả năng, tiền bạc…
Chắc có lẽ, để thực hiện được ước mơ này thì tôi cần thêm thời gian để tích lũy tất cả những thứ cần cho một liveshow sang trọng và ấm cúng.
- Anh không có ‘đại gia’ hay các nhà tài trợ chống lưng như các ca sỹ khác để làm liveshow?
Đây là vấn đề nhạy cảm và động chạm nhưng phải nói thật thời gian gần đây, các nghệ sỹ được báo chí cũng như truyền thông khai thác triệt để đề và điều đó bây giờ cũng không còn gì phải úp mở cả.
Nhiều nghệ sỹ cũng luôn lấy đó là tự hào, sẵn sàng PR sản phẩm âm nhạc bằng mọi cách, nào là xe đẹp, biệt thự...
Thực tế, có những người có tiền họ hâm mộ và quý mến giọng hát nào đó thì họ sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư và làm liveshow cho ca sỹ đó bằng cách là nhà tài trợ và ngược lại họ cũng được lợi về truyền thông cho chính doanh nghiệp của họ.
Nói chung, cả 2 bên đều có lợi. Tuy nhiên, tôi muốn chọn thời điểm thích hợp để có thể làm liveshow theo ý muốn của mình.
- Là người trong giới showbiz nhưng vì sao anh không xây dựng hình ảnh lung linh, hào quang lấp lánh cho mình?
Tôi đã từng gặp nhiều đồng nghiệp khi còn đứng trên sân khấu nguy nga, rất sang trọng và lịch lãm đến một thời gian sau khi gặp lại đã thấy sa đà trên bàn nhậu chỉ vì không cân bằng được giữa nghệ sỹ trên sân khấu và đời thường.
Nghệ sỹ thì cũng là người lao động nên phải biết tự cân bằng giữa sân khấu và đời thường, như vậy sẽ tốt hơn.
Nếu một ca sỹ không kiểm soát được những gì thuộc về mình thì giá trị ảo trong showbiz sẽ làm cho người nghệ sỹ đó dễ bị ngộ nhận, dẫn đến hệ lụy về nhận thức, tự phong cho mình là ông hoàng bà chúa trong âm nhạc...
- Thời điểm này, scandal đang được nhiều ca sỹ tận dụng để lôi kéo sự chú ý, PR tên tuổi nhưng tại sao anh nói không với scandal?
Tôi nghĩ có 2 khía cạnh, thứ nhất là do tai nạn nghề nghiệp mà các nghệ sỹ không lường trước được, thứ 2 là tự tạo ra scandal một cách rất bài bản và có tính toán rất kỹ của cả một ê kíp.
Ca sỹ nào thì khán giả đó, hiệu ứng đám đông không quyết định được tài năng vì bây giờ khán giả họ cũng chọn lọc và có ý thức nghe nhạc lắm!
Có thể vì sự tò mò mà khán giả họ tìm đến người dính scandal nhưng chắc cũng chỉ 1 lần mà thôi.
Quan niệm của tôi là làm gì thì cũng có giá của nó, là nghệ sỹ thì ai cũng muốn nổi tiếng và nhiều người biết đến nhưng để kiểm soát được những gì thuộc về mình thì không phải ai cũng làm được.
Do vậy, hãy phấn đấu hết mình bằng hết khả năng có thể với tài năng và kiến thức của mình để 20, 30 hay thậm chí 40 năm sau mà không nổi tiếng thì cũng không ân hận.
Chỉ cần nhận được sự trân trọng từ đồng nghiệp và khán giả trung thành yêu quý thì mình cũng vui và hạnh phúc lắm rồi!
- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!