Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tu chính án 25: Luật tước quyền tổng thống đương nhiệm của Mỹ

Sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol, nghị sĩ và thành viên nội các Mỹ được cho là đang lên kế hoạch viện dẫn Tu chính án 25 để tước quyền lực tổng thống của ông Trump.

Ngày 6/1, tòa nhà Quốc hội Mỹ bị một nhóm người ủng hộ ông Trump chiếm đóng. Đám đông biểu tình muốn các nghị sĩ hoãn chứng nhận chiến thắng của tổng thống đắc cử Joe Biden.

Điện Capitol chìm vào cảnh hỗn loạn trong nhiều giờ liền. Năm người đã thiệt mạng, bao gồm một cảnh sát bảo vệ quốc hội. Đám đông chỉ được giải tán khi Vệ binh Quốc gia ập đến.

Sau khi những người biểu tình quá khích bị trấn áp và quốc hội nối lại phiên họp, ông Trump bị nhiều nghị sĩ, cựu tổng thống và quan chức Mỹ cáo buộc kích động bạo lực.

Nhiều lãnh đạo đảng Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa đề xuất phế truất ông Trump trước ngày 20/1 - thời điểm nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc, theo CNN.

Ít nhất 6 nghị sĩ kêu gọi kích hoạt Tu chính án thứ 25 của hiến pháp Mỹ để tước quyền lực của Tổng thống Trump. Trong viễn cảnh đó, Phó tổng thống Mike Pence sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò chủ nhân Nhà Trắng.

Giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump đã truyền tải thông điệp gây hấn thụ động, gián tiếp kích động bạo lực ở Điện Capitol. (Ảnh: Reuters)

Ngoài Tu chính án thứ 25, Tổng thống Trump cũng có thể bị phế truất thông quá trình luận tội ở Hạ viện và xét xử ở Thượng viện.

Tuy nhiên, các nhân vật cấp cao trong chính phủ và Quốc hội Mỹ chọn Tu chính án thứ 25 vì có thể tước quyền lực của ông Trump nhanh hơn.

Tu chính án thứ 25 là gì?

Tu chính án thứ 25 được Thượng nghị sĩ Birch Bayh đề xuất năm 1963, sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Tu chính án này chính thức được phê chuẩn vào năm 1967.

Nội dung Tu chính án thứ 25 gồm 4 phần, xoay quanh quá trình chuyển giao quyền lực từ tổng thống sang phó tổng thống khi người đứng đầu Nhà Trắng không thể tiếp tục nhiệm vụ.

Phó Tổng thống Pence bày tỏ lập trường chống lại áp lực từ người đứng đầu Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

Phần 1 quy định rằng khi tổng thống đương nhiệm qua đời, từ chức hoặc bị phế truất, phó tổng thống sẽ trở thành tổng thống tạm quyền.

Phần 2 đề cập đến việc tổng thống được phép chọn người kế nhiệm tạm thời thay vì mặc định là phó tổng thống tiếp nhận quyền lực. Ứng viên mà tổng thống đề xuất cần được quốc hội phê chuẩn.

Phần 3 cho phép tổng thống đương nhiệm tạm thời chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống. Quá trình này có thể được thực hiện bằng cách thông báo cho chủ tịch Hạ viện và chủ tịch Thượng viện tạm quyền.

Sau đó, tổng thống có thể lấy lại quyền lực bằng cách thuyết phục các quan chức và nhà lập pháp rằng mình có thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ.

Phần 4 đề cập đến những tình huống tổng thống không thể tiếp tục nhiệm vụ nhưng không tự nguyện từ chức.

Thượng nghị sĩ Birch Bayh, "cha đẻ" của Tu chính án thứ 25. (Ảnh: AP)

 

Ông Trump có thể bị phế truất dựa trên Tu chính án thứ 25 không? Về mặt lý thuyết, việc viện dẫn Tu chính án thứ 25 có thể tước quyền tổng thống của ông Trump đúng theo quy định của hiến pháp.

Nhiều thành viên nội các được cho là đang thảo luận về việc áp dụng phần 4 trong Tu chính án thứ 25 để phế truất ông Trump, theo Reuters.

Trong kịch bản đó, ông Pence và các quan chức Mỹ cần chứng minh được ông Trump không còn đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Khi đó, ông Pence sẽ trở thành tổng thống tạm quyền.

Ông Adam Kinzinger là nghị sĩ Cộng hòa đầu tiên đề xuất phế truất Tổng thống Trump sau vụ biểu tình ở Điện Capitol. (Ảnh: AFP)

 

Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, khả năng ông Pence và các đồng minh có thể phế truất ông Trump dựa vào Tu chính án thứ 25 là khá mong manh, Wall Street Journal nhận định.

Ông Trump có thể tuyên bố bản thân vẫn đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Nếu ông Pence và đa số nội các không phản đối tuyên bố này, tổng thống vẫn bảo toàn quyền lực.

Trong trường hợp ngược lại, vấn đề sẽ do quốc hội quyết định. Khi đó, cần ít nhất 2/3 ý kiến tán thành tại lưỡng viện để phế truất ông Trump.

Trong cả hai kịch bản trên, lợi thế đều thuộc về tổng thống đương nhiệm. Bởi lẽ tất cả thành viên nội các đều do ông Trump đề cử. Họ sẽ không dễ dàng chấp thuận đề xuất viện dẫn điều 4 trong Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Trump, theo Wall Street Journal.

Thêm vào đó, về mặt lý thuyết, đảng Cộng hòa có đủ số ghế ở quốc hội để phản đối quyết định tước bỏ quyền lực của tổng thống đương nhiệm.

Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, đảng viên Dân chủ, đã đề xuất thành lập một ủy ban xem xét khả năng tiếp tục nhiệm vụ của Tổng thống Trump, đồng thời đơn phương phế truất ông mà không thông qua nội các. Tuy nhiên, nỗ lực này không đi đến đâu.

Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, đảng viên Dân chủ. (Ảnh: AP)

 

Cuốn sách One Heartbeat Away: Presidential Disability and Succession viết bởi “cha đẻ” của Tu chính án thứ 25 - Thượng nghị sĩ Birch Bayh - đề cập đến vấn đề phế truất tổng thống.

Trong đó, Thượng nghị sĩ Bayh viết rằng việc xác định liệu tổng thống có thể tiếp tục nhiệm vụ hay không là trở ngại lớn nhất trong việc thực thi Tu chính án thứ 25.

Một khi tổng thống đương nhiệm tuyên bố: ‘Tôi khỏe và có thể tiếp tục nhiệm vụ’, phó tổng thống và nội các chỉ có thể phản đối khi tổng thống bị tâm thần”, ông Bayh viết.

Bệnh tâm thần là lý do khả dĩ nhất để viện dẫn điều 4 trong Tu chính án thứ 25”, vị nghị sĩ nói.

Do đó, dù Tu chính án thứ 25, về lý thuyết, là phương án giúp phế truất ông Trump nhanh nhất, khả năng áp dụng điều này trong tình hình hiện tại vẫn là một dấu hỏi lớn.

Nguồn: Zing News

Tin mới