Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

TS Lê Bá Khánh Trình góp ý chương trình môn Toán mới

Giảng dạy môn Toán là truyền đạt tư duy cho học sinh nên việc giảm tải kiến thức, định hướng nghề nghiệp thông qua chuyên đề được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo chương trình các môn học mới để lấy ý kiến giáo viên và các nhà giáo dục.

Đừng để học sinh sợ Toán

Đóng góp vào dự thảo chương trình môn Toán, TS Lê Bá Khánh Trình - người được coi là huyền thoại của ngành Toán học Việt Nam - cho rằng dạy học môn Toán là truyền đạt tư duy, hệ thống hóa vấn đề, lập luận cho học sinh thông qua giảng dạy kiến thức.

TS Lê Bá Khánh Trình. 

Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu, việc giảng dạy kiến thức Toán học sẽ có lợi rất nhiều cho việc trau dồi tư duy của học sinh. Vì thế, việc giảm tải kiến thức Toán học chỉ nên ở mức độ vừa phải, kiến thức môn Toán nên được xếp ở mức độ nào, liệu các em đã đủ sức để học tập, tiếp thu được chưa.

Theo TS Khánh Trình, việc giảm tải và tinh giảm kiến thức Toán học cũng không nên làm ảnh hưởng quá trình rèn luyện tư duy lâu dài hoặc có nhiều xáo trộn so với chương trình hiện hành (đã được định hình qua thời gian) và gây khó khăn cũng như tâm lý hoang mang cho cả giáo viên và học sinh.

Chương trình môn Toán có chứa đựng các nội dung, chủ đề liên quan hoặc các kiến thức Toán học được khai thác, sử dụng trong các môn học khác như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Tin học, Công nghệ...

Khai thác tốt những yếu tố liên môn nêu trên vừa mang lại hiệu quả với các bộ môn, vừa góp phần củng cố kiến thức môn Toán, cũng như góp phần rèn luyện cho học sinh năng lực vận dụng Toán học vào thực tiễn.

Hoạt động trải nghiệm trong môn Toán cũng sẽ tạo cơ hội giúp học sinh vận dụng một cách tổng hợp kiến thức, kỹ năng và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo.

Định hướng nghề nghiệp thông qua các chuyên đề

Đối với các chuyên đề học tập môn Toán, để tăng cường định hướng về nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, nhà trường có thể tổ chức một số chuyên đề học tập môn Toán giúp cho các em có cái nhìn tương đối tổng quát về những ngành nghề có liên quan đến Toán học.

Việc tổ chức như thế này góp phần giúp học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.

Khi áp dụng các chuyên đề này, nhà trường có thể sắp xếp hoặc lên kế hoạch mời thêm các nhà khoa học, chuyên gia có hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn để hướng dẫn học sinh.

Về vấn đề này, TS Bá Trình nêu quan điểm, kiến thức của môn Toán có vai trò kết nối các môn học khác, kiến thức của môn học này được sử dụng khá tốt trong các môn như Vật lý, Hóa học...

Tuy nhiên, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua môn Toán cũng không phải dễ vì ở cấp THPT, việc làm này còn thực hiện manh mún. Các chuyên đề giảng dạy môn Toán hiện chưa được các trường triển khai một cách bài bản, vẫn còn khô khan, chưa thực sự hấp dẫn với học sinh.

Ý tưởng về môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra có vẻ hay nhưng nếu các trường học, cấp học chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì có thể khiến học sinh sợ học môn này.

Giảng dạy môn Toán là truyền đạt tư duy cho học sinh nên việc định hướng nghề nghiệp thông qua các chuyên đề cần được thực hiện khoa học, tránh manh mún.

Áp dụng kiến thức Toán học vào thực tế trong cuộc sống không hề đơn giản, đòi hỏi giáo viên phải hết sức nỗ lực để truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho học sinh.

Nhằm giúp các thầy cô giáo hoàn thành được nhiệm vụ này, ngành giáo dục cần phải có thêm các sách tham khảo, hay những cuộc tập huấn hướng dẫn giáo viên giảng dạy môn Toán theo chương trình mới.

Đối với việc đánh giá học sinh, hiện nay, các trường học, địa phương vẫn thực hiện chủ yếu thông qua đánh giá bằng những bài kiểm tra, kỳ thi. Còn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều hình thức đánh giá (đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết).

Ngoài ra, nhiều phương pháp đánh giá như quan sát, ghi lại quá trình thực hiện, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, thực hành, các dự án/sản phẩm học tập, thực hiện nhiệm vụ thực tiễn, tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng... Đây là những hình thức đánh giá học sinh được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Tuy nhiên, những hình thức mới trong cách đánh giá học sinh đối với môn Toán cần được nghiên cứu kỹ lưỡng khi thực hiện tại Việt Nam để đảm bảo đánh giá khách quan, trung thực, đúng năng lực thực sự của học sinh.

Nguồn: VOV

Tin mới