Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Trung Quốc đã trải qua 7 năm đàm phán và sắp hoàn thành ngay trước khi nước Đức kết thúc nhiệm kỳ làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Theo các nguồn tin ngoại giao ở Brussels và Bắc Kinh, hai bên đã thống nhất ký kết hiệp định thương mại giúp cải thiện điều kiện cạnh tranh cho các doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Các cuộc đàm phán sắp đi đến hồi kết". Có khả năng vào 25/12, các đại sứ của 27 nước thành viên EU sẽ thống nhất với nhau về việc ký kết hiệp định.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến EU - Trung Quốc diễn ra vào tháng 9. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc đang thay đổi hành động
Hai bên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các điều khoản pháp lý trong hiệp định. Về nguyên tắc, hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp châu Âu dễ dàng hơn trong việc thành lập chi nhánh tại Trung Quốc và mua lại các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ bị hạn chế quyền hạn trong việc cưỡng chế các doanh nghiệp châu Âu phải chuyển giao công nghệ và phương pháp, quy trình làm việc. Các công ty Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ hạn chế nhận viện trợ của nhà nước.
Thủ tướng Angela Merkel trong chuyến thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9/2019.
Phía Trung Quốc từ trước đến giờ vẫn tỏ thái độ do dự trong các cuộc đàm phán và đòi hỏi các công ty của nước này phải có thị phần trong lĩnh vực cung cấp năng lượng và nước sạch tại châu Âu. EU trước đó đã từ chối yêu cầu này và có các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt hơn về việc Trung Quốc tiếp quản các công ty tại châu Âu. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các mức thuế quan cũng như lệnh trừng phạt dành cho Trung Quốc, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đang sẵn lòng “dang rộng vòng tay” chào đón EU cùng với 450 triệu khách hàng. Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc vượt mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của EU.
Đức quan tâm đến thị trường Trung Quốc
Thủ tướng Đức Angela Merkel rất quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ thương mại giữa Đức – Trung Quốc. Một Hội nghị thượng đỉnh EU với sự góp mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là điểm nhấn trong nửa cuối năm nay – năm nước Đức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Tuy nhiên do đại dịch COVID-19, hội nghị này đã bị hủy. Nhưng hiệp định thương mại vẫn tiếp tục được đàm phán và hai bên đều đạt được những thỏa thuận chung. Nếu thành công, đây là sẽ hiệp định thứ hai được ký kết trong nhiệm kỳ Đức làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Hiệp định thứ nhất là về chứng nhận xuất xứ hàng hóa được ký kết vào mùa hè năm nay.
Từ nhiều năm nay, Thủ tướng Angela Merkel đã cố gắng xây dựng mối quan hệ thương mại tốt đẹp với Trung Quốc. Trong số các quốc gia EU, Đức là nước xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nhiều nhất. EU coi hệ thống độc đảng của Trung Quốc với định hướng kinh tế thị trường vừa là “đối thủ có hệ thống”, “đối thủ cạnh tranh về kinh tế” vừa là đối tác trong một số lĩnh vực.
Donald Trump lựa chọn đối đầu và áp đặt trừng phạt đối với Trung Quốc.
Cái cau mày của Tổng thống Biden
Các nhà ngoại giao ở Brussels nghi ngờ rằng nếu châu Âu ký kết hiệp định thương mại với Trung Quốc trong năm nay, cuộc đàm phán đầu tiên của EU với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ trở nên phức tạp hơn. Tổng thống đắc cử Biden, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 dự định vẫn áp dụng các mức thuế trừng phạt của Mỹ dành cho Trung Quốc và duy trì đường lối chống lại Bắc Kinh của người tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng đồng thời, Tổng thống đắc cử Biden cũng sẽ muốn cải thiện mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương và các quan hệ thương mại với EU.
Thỏa thuận bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung về sản xuất công nghiệp, dịch vụ tài chính, giao dịch bất động sản, ngành xây dựng cũng như vận tải đường biển và vận tải hàng không.