Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Biden thừa kế di sản của Trump, cứng rắn với Trung Quốc?

(VTC News) -

Các nhà phân tích cho rằng, việc Trump cứng rắn với Trung Quốc sẽ là di sản, đòn bẩy để chính quyền Joe Biden tới đây giành lợi thế trong đàm phán với Bắc Kinh.

Ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 năm sau. Trong nhiều năm, chính quyền Trump liên tục gây sức ép lên Trung Quốc trên một loạt vấn đề, trong đó có việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 370 tỷ USD, đề nghị Canada quản thúc Giám đốc điều hành Trung Quốc của Huawei, đe dọa tiếp cận thị trường vốn của Mỹ và đổ lỗi cho Bắc Kinh về quy mô bùng phát đại dịch COVID-19…

Chiến dịch gây áp lực của Tổng thống Trump tiếp tục vào tuần trước, khi Mỹ liệt hơn 60 công ty Trung Quốc vào danh sách đen, hạn chế khả năng của các công ty này trong việc tiếp cận công nghệ của Mỹ, nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia”.

Đòn bẩy át chế Trung Quốc

Hành vi của Bắc Kinh trong việc kiên quyết khẳng định các yêu sách lãnh thổ phi lý ở Biển Đông và ở các khu vực chiến lược như biên giới với Ấn Độ, cũng như sử dụng các biện pháp cưỡng bức kinh tế đối với các nước như Hàn Quốc và Australia... khiến nhiều nước phản ứng, ủng hộ chính sách cứng rắn của chính quyền Trump với Bắc Kinh.

Các chuyên gia cho rằng Biden sẽ sử dụng di sản cứng rắn của Trump với Trung Quốc, làm đòn bẩy cho đàm phán song phương. (Ảnh: CNN)

Eswar Prasad, người trước đây làm việc về các vấn đề Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho rằng: “Các biện pháp trừng phạt thương mại rộng rãi của Trump đối với Trung Quốc cùng với sự phản đối của các nước khác chống lại chính sách ngoại giao quyết đoán của Bắc Kinh sẽ mang lại cho chính quyền Biden đòn bẩy đáng kể khi bắt đầu các cuộc đàm phán song phương. Các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng và các động lực chính trị trong nước ở Mỹ giúp chính quyền Biden mạnh tay trong các cuộc đàm phán”.

Trong khi Biden và nhiều thành viên đảng Dân chủ phản đối các chiến thuật mà Trump sử dụng để gây áp lực với Trung Quốc, những công cụ đó sẽ vẫn nằm trên bàn khi người kế nhiệm của ông tìm cách đàm phán với các nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Trước mắt, tôi sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào ngay lập tức, trong đó có vấn đề thuế quan”, Biden nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, được công bố vào ngày 2/12.

“Chiến lược tốt nhất với Trung Quốc là tập hợp các đồng minh của chúng ta ở trên cùng chiến tuyến. Ưu tiên hàng đầu của tôi trong những tuần đầu của nhiệm kỳ tổng thống là cố gắng đưa chúng tôi trở lại cùng chiến tuyến với các đồng minh”, ông Biden nói.

Bất chấp sự nghi ngờ của công chúng đối với chiến lược của Trump đối với Bắc Kinh, các quốc gia như Anh và Pháp theo Mỹ, dừng kế hoạch hợp tác với gã khổng lồ công nghệ cuat Trung Quốc - Huawei, trong khi đó liên minh “Ngũ nhãn”, NATO chuyển sự chú ý sang việc ngăn chặn các nguy cơ, mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Mặc dù các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ không có thiện cảm khi Mỹ tập hợp các quốc gia khác vì mục tiêu đối đầu với Bắc Kinh, song nước này cũng phát đi tín hiệu, mong muốn cải thiện quan hệ song phương sau khi ông Biden lên nắm quyền.

Tuần trước, phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi hai bên tái khởi động đối thoại và “quay lại đúng hướng”. Còn cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã viết một bài báo, kêu gọi “cạnh tranh hợp tác” giữa Washington và Bắc Kinh.

“Kỳ vọng của Trung Quốc đối với chính quyền Biden là thiết lập lại quan hệ Mỹ - Trung. Quan hệ song phương cần phải được tẩy uế, và cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều cần phải là người chiến thắng chứ không phải kẻ thua cuộc”, Gao Zhikai, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc, từng là người phiên dịch cho cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, cho hay. 

Nhiều thách thức với Biden

Danh tiếng toàn cầu của Mỹ đã bị ảnh hưởng dưới thời Trump và các đồng minh của Washington không chắc rằng có thể tin cậy Mỹ trong dài hạn. Ngay cả khi Biden muốn làm việc nhiều hơn với các đồng minh và quay lại các tổ chức quốc tế như WHO…, các nhà lãnh đạo ở các quốc gia khác, trong đó có cả Trung Quốc, hiểu rằng không có gì đảm bảo ông sẽ không bị thay thế bởi một nhà lãnh đạo giống Trump hơn - hoặc thậm chí là Trump, trong cuộc bầu cử năm 2024.

Các chiến thuật của Trump trong thời gian qua đã khiến các quan chức ở Bắc Kinh “kiệt sức”. Chính phủ Trung Quốc tăng tốc, nỗ lực kiềm chế tiếng nói độc lập ở Hong Kong và củng cố các tiền đồn của nước này ở Biển Đông và dọc biên giới. Nhiều người nhìn nhận, việc Mỹ thất bại trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 là bằng chứng cho thấy Washington đã qua thời kỳ đỉnh cao.

Ông Biden được cho sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong quan hệ với Trung Quốc. (Ảnh: TNS)

Ngay cả khi Biden thành công trong việc thay đổi nhận thức như vậy, các cuộc đàm phán với Trung Quốc có thể sẽ quanh co và kéo dài như từng diễn ra dưới thời Trump. Ông Trump chưa bao giờ đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc mà ông đã hứa sẽ đạt được khi nhậm chức vào năm 2017. .

Ryan Hass, người trước đây đã giám sát các vấn đề của Trung Quốc tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết: “Tôi không hiểu rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải chịu căng thẳng đến mức họ sẵn sàng nhượng bộ để loại bỏ áp lực đơn phương của Mỹ”.

Mặc dù Tổng thống đắc cử Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã biết nhau hơn một thập kỷ, nhưng mối quan hệ Mỹ - Trung đã thay đổi rõ rệt kể từ khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng vào đầu năm 2017. Sự phát triển nhanh chóng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã khiến nước này tự tin hơn để triển khai các dự án ở châu Á - Thái Bình Dương, củng cố việc chiếm giữ phi pháp các tiền đồn ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng trong khu vực.

Kinh tế là mặt trận mà ông Tập Cận Bình có lập trường tích cực trong thực hiện chính sách, cạnh tranh với Mỹ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi quốc gia của mình nỗ lực “tự lực” trong các lĩnh vực then chốt để khẳng định, sẵn sàng cạnh tranh với các đối tác toàn cầu.

Cơ hội xây dựng lòng tin giữa Washington và Bắc Kinh vẫn hiện hữu. Khoảng 100 cuộc đối thoại chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị đình trệ hoặc bị hủy dưới thời Trump. Những điều đó có thể được hồi sinh với các cuộc gặp, làm việc ở các cấp quan chức khác nhau giữa hai nước, ngay cả khi lãnh đạo Mỹ - Trung vẫn đang sắp xếp các chương trình nghị sự của họ.

Vì lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc, chính quyền Biden cũng có thể thận trọng hơn trong việc sử dụng một số công cụ theo ý mình so với chính quyền Trump. Trong khi Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Steven Mnuchin chịu áp lực của Trump, chỉ định Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ, trong khi ứng cử viên của Biden cho vị trí đó - cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen, đã chỉ ra sự thận trọng về việc sử dụng đòn bẩy đó để giành được nhượng bộ từ Bắc Kinh.

Bà Janet Yellen cho rằng: “Thật sự khó khăn và nguy hiểm để xác định một quốc gia thao túng tiền tệ của mình để đạt được lợi thế thương mại”.

Một trong những điều mà Biden phải quan tâm là ở mặt trận trong nước, ông sẽ phải vật lộn để củng cố một nền kinh tế đang suy thoái trong khi đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, ngay cả khi việc phân phối vaccine đang được triển khai. Trừ khi chính quyền Mỹ tới đây lấy lại niềm tin của công chúng sau cuộc bầu cử được xem là phân cực nhất trong lịch sử nước Mỹ và xây dựng lại lòng tin với các đồng minh ở nước ngoài, còn không, bất kỳ lợi thế nào mà Washington có được so với Bắc Kinh có thể vẫn chỉ là lý thuyết.

“Có khả năng chính quyền Biden xây dựng đòn bẩy từ sự cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc trong đàm phán. Thế nhưng, điều này sẽ phụ thuộc vào việc liệu họ có thể xây dựng sự đồng thuận trong nước về các ưu tiên hàng đầu, sự đồng thuận với các đồng minh và đối tác về Trung Quốc hay không”, Ryan Hass cho hay.

Kông Anh

Tin mới