Vào lúc 9h 22 phút sáng 17/6 (giờ địa phương), tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-12 của Trung Quốc đã được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi tỉnh Cam Túc, miền Tây Nam nước này. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã chứng kiến lễ phóng.
Trung Quốc phóng thành công tàu Thần Châu-12. Ảnh: Tân Hoa xã
Ông Trương Chí Phân, Giám đốc Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền tuyên bố: “Theo thông báo của Trung tâm điều hành bay hàng không vũ trụ Bắc Kinh, tên lửa Trường Chinh-2F Y12 đã chuẩn xác đưa tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-12 vào quỹ đạo định sẵn. Cánh tàu đã mở và làm việc bình thường. Tôi xin tuyên bố, sứ mệnh phóng tàu Thần Châu-12 đã thành công tốt đẹp”.
Được biết, Thần Châu-12 đã đi vào quỹ đạo định sẵn sau khi tách khỏi tên lửa 573 giây. Trong khoảng vài giờ tới, 3 phi hành gia của Trung Quốc sẽ chính thức có mặt trên khoang lõi Thiên Hòa, bắt đầu nhiệm vụ xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên mang tên Thiên Cung của nước này.
Đây sẽ là nhiệm vụ du hành dài nhất của Trung Quốc cho đến nay. Ba phi hành gia của tàu Thần Châu-12 sẽ ở trong không gian khoảng 3 tháng và thực hiện các nhiệm vụ trong khoang lõi và ngoài không gian, như sửa chữa và bảo trì, chuyển đổi thiết bị và thí nghiệm khoa học.
Đây là lần đầu tiên sau gần 5 năm, Trung Quốc đưa phi hành gia vào vũ trụ, đồng thời là sứ mệnh bay có phi hành đoàn đầu tiên và lần phóng thứ ba trong tổng số 11 sứ mệnh trong giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ.
Trước đó, Trung Quốc đã phóng mô đun lõi Thiên Hòa vào ngày 29/4 và tàu chở hàng Thiên Châu-2 vào ngày 29/5. Trong các sứ mệnh tiếp theo, tàu chở hàng Thiên Châu-3 sẽ được phóng vào tháng 9 và tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-13 sẽ phóng vào tháng 10 năm nay.
Dự kiến, đến năm 2022, Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và đưa vào vận hành trạm không gian Thiên Cung nặng 100 tấn và có không gian tối đa cho 3 nhà khoa học làm việc lâu dài. Sau năm 2025, Thiên Cung sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất trong không gian./.