Ông Wu Yansheng, chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC), cho biết “tên lửa thế hệ mới” này còn được gọi với mật danh “tên lửa 921”. Trong tương lai, nó có thể đưa một phi hành đoàn ba người cùng một tàu đổ bộ chở thêm hai thành viên phi hành đoàn lên mặt trăng.
“Tên lửa thế hệ mới” của Trung Quốc có thể thực hiện sứ mệnh phi hành đoàn đầu tiên lên mặt trăng vào đầu năm 2027. (Ảnh: Shutterstock)
Ông Wu tiết lộ thêm rằng tham vọng không gian của Trung Quốc vẫn chưa dừng lại ở đó. Họ hy vọng có thể khám phá các hành tinh khác và du hành ra ngoài hệ mặt trời để tìm kiếm những nơi đủ điều kiện sống cho con người.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ tiến hành sứ mệnh mặt trăng nhằm mang các mẫu vật từ mặt trăng trở lại Trái đất vào năm 2026, thực hiện cuộc khảo sát về môi trường và tài nguyên ở cực Nam của mặt trăng vào năm 2023, đồng thời thiết lập một trạm nghiên cứu tại khu vực này vào năm 2028.
CASC cũng dự định gửi một tàu thăm dò để thu thập các mẫu vật từ sao Hỏa trong vòng 10 đến 15 năm tới, phóng một tàu thăm dò không gian để khám phá các tiểu hành tinh gần Trái đất và sao chổi vành đai chính vào khoảng năm 2025.
Ngoài ra, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc có kế hoạch thực hiện sứ mệnh khám phá sao Mộc, sao Thiên Vương, mặt trời và rìa của hệ mặt trời.
Dự án “Tìm kiếm âm thanh”, một dự án thăm dò các hành tinh thích hợp cho con người sinh sống bên ngoài hệ mặt trời, đã được lên kế hoạch và sẽ bắt đầu vào năm 2030.
Để hỗ trợ cho các mục tiêu đó, Trung Quốc đang phát triển một loại tàu chi phí thấp có thể tái sử dụng, tương tự như tàu con thoi. Theo ông Wu, loại tàu này hỗ trợ cho hệ thống vận chuyển trong không gian, giống với tàu cao tốc và máy bay thương mại.
“Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu về không gian vào năm 2030 và đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc vũ trụ của thế giới vào năm 2045”, ông Wu nói.