12h50: Thượng viện Mỹ tiếp tục phủ quyết việc phản đối kết quả bầu cử ở Pennsylvania
Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu về việc phản đối kết quả kiểm phiếu của cử tri đoàn bang Pennsylvania. Hạ nghị sĩ Pennsylvania Scott Perry và Thượng nghị sĩ Josh Hawley trình bày nỗ lực phản đối. Tuy nhiên, chỉ có 7 phiếu thuận, 92 phiếu còn lại ở Thượng viện Mỹ phủ quyết việc phản đối này.
Những cái tên phản đối kết quả bầu cử ở Pennsylvania gồm:
Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz
Thượng nghị sĩ Missouri Josh Hawley
Thượng nghị sĩ Wyoming Cynthia Lummis
Thượng nghị sĩ Kansas. Roger Marshall
Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott
Thượng nghị sĩ Alabama Tommy Tuberville
Thượng nghị sĩ Mississippi Cindy Hyde-Smith
12h11: 4 người chết trong vụ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ
Bloomberg dẫn nguồn tin từ Cảnh sát trưởng Washington D.C. cho biết thêm 3 người khác thiệt mạng trong vụ biểu tình bạo lực ở thủ đô của Mỹ hôm 6/1.
Video: Khoảnh khắc người phụ nữ bị bắn khi xâm nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ
Như vậy tổng cộng 4 người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình bạo lực nhằm vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1, ngày lưỡng viện nước này chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống.
Phóng viên Jason Donner của Fox News ghi nhận có nhiều mảnh kính vỡ bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ sau khi người biểu tình tràn vào đây hôm 6/1.
Trong bài phát biểu từ bang nhà Delaware, tổng thống đắc cử Joe Biden gọi cuộc biểu tình ở Điện Capitol là "nổi loạn".
10h49: 6 Thượng nghị sĩ vẫn bỏ phiếu duy trì phản đối kết quả bầu cử ở Arizona
Sự phản đối nhằm chống lại tính hợp pháp của phiếu đại cử tri của Arizona đã thất bại áp đảo tại Thượng viện, kết quả là 93-6, 93 nghị sĩ bác bỏ việc phản đối.
Dưới đây là sáu thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu để duy trì phản đối:
Thượng nghị sĩ Ted Cruz
Thượng nghị sĩ Josh Hawley
Thượng nghị sĩ Cindy Hyde-Smith
Thượng nghị sĩ Roger Marshall
Thượng nghị sĩ John Kennedy
Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville
10h35: Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham: "Quá đủ rồi"
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người luôn ủng hộ Tổng thống Trump, đã mạnh mẽ bảo vệ việc chứng nhận số phiếu đại cử tri bang Arizona tại cuộc họp Thượng viện. Ông Graham cho biết ông tin rằng việc bỏ phiếu để phản đối kết quả này là "ý tưởng tồi tệ nhất để trì hoãn cuộc bầu cử".
"Tổng thống Trump và tôi, chúng tôi đã có một hành trình tồi tệ. Tôi ghét phải kết thúc theo cách này. Theo quan điểm của tôi, ông ấy đã là một tổng thống thành công. Nhưng hôm nay, điều đầu tiên quý vị sẽ thấy. Những gì tôi có thể nói, là hãy tính tôi vào (số phiếu ủng hộ xác nhận kết quả bầu cử), quá đủ rồi", ông Graham nói.
Ông Graham bảo vệ lập trường của mình bằng cách dẫn ra một số vụ kiện mà Tổng thống Trump đã thua, bao gồm cả quyết định của Tòa án Tối cao Wisconsin về kết quả bầu cử.
10h30: Thượng viện bác bỏ nỗ lực phản đối phiếu đại cử tri bang Arizona
Với 93 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ sự phản đối đối với lá phiếu đại cử tri của bang Arizona bầu cho ông Biden. Arizona với 11 phiếu đại cử tri là một trong những bang chiến địa trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Quốc hội Mỹ nhóm họp lưỡng đảng kiểm đếm phiếu đại cử tri. (Ảnh: CNN)
Với bất cứ sự phản đối nào được nêu ra bằng văn bản và có chữ ký của ít nhất một hạ nghị sỹ và một thượng nghị sỹ, phiên họp chung của Quốc hội sẽ tạm dừng, Hạ viện và Thượng viện sẽ họp riêng để xem xét và bỏ phiếu về vấn đề này. Sau cuộc bỏ phiếu, Quốc hội trở lại phiên họp chung và tiếp tục đếm phiếu đại cử tri.
10h: Thượng nghị sỹ Mỹ vẫn phản đối kết quả bỏ phiếu ở Pennsylvania
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley, một trong những nhà lập pháp đầu tiên tuyên bố phản đối chứng nhận ông Joe Biden là Tổng thống đắc cử, đã lên án cuộc bạo động ngày 6/1 tại điện Capitol, nhưng tái khẳng định quyết định phản đối việc bỏ phiếu của đại cử tri Pennsylvania cho cuộc bầu cử Tổng thống.
Hawley nói với các nhà lập pháp ở Thượng viện: “Pennsylvania, tôi muốn tập trung vào đây, là ví dụ minh chứng lý do tại sao người dân lại lo lắng".
"Hàng triệu người Mỹ lo ngại về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử của chúng ta", Josh Hawley nói.
Josh Hawley, 41 tuổi, người được bầu làm đại diện Missouri vào năm 2018, không tuyên bố bất kỳ cáo buộc gian lận nào, nhưng kêu gọi các nhà lập pháp Pennsylvania ban hành các thủ tục mới liên quan đến các lá phiếu gửi qua thư.
9h30: Chánh văn phòng của ông Pence bị cấm đến Nhà Trắng
Theo nguồn tin của CNN, Tổng thống Trump đã cấm Chánh văn phòng Marc Short của Phó tổng thống Mike Pence đến Cánh Tây Nhà Trắng vào hôm nay, 6/1.
Một số nhân viên Nhà Trắng nhìn thấy ông Short đi vào Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower hôm 6/1, nơi có văn phòng của Phó tổng thống Mike Pence. Tòa nhà này thuộc khuôn viên Nhà Trắng nhưng nằm tách biệt với Nhà Trắng.
Nhưng thay vì ở đó, cả ngày nay ông Short lại ở Điện Capitol, theo CNN.
9h25: Trump vẫn thúc giục phản đối kết quả phiếu đại cử tri
Theo CNN, Tổng thống Trump đang thúc giục các Thượng nghị sĩ thúc đẩy cuộc phản đối về việc chứng nhận Joe Biden làm Tổng thống. Nguồn tin của CNN cũng cho biết có vẻ như Thượng nghị sĩ Josh Hawley sẽ tiếp tục phản đối xác nhận phiếu đại cử tri. Trước đó, Hawley không trả lời khi được hỏi kế hoạch của ông sau cuộc biểu tình ngày 6/1, và liệu ông còn phản đối phiếu đại cử tri từ Pennsylvania hay không.
Phó Tổng thống Pence quay lại cuộc họp. (Ảnh: AP)
Thượng nghị sĩ Roger Marshall cũng không trả lời câu hỏi về việc liệu ông có còn định phản đối Georgia và Pennsylvania hay không.
Quốc hội đã triệu tập lại phiên họp chung của họ vào tối nay sau khi những kẻ bạo loạn ủng hộ Trump xông vào điện Capitol. Các nhà lập pháp hiện đang tranh luận về việc phản đối các phiếu đại cử tri của Arizona.
9h20: Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa rút lại kế hoạch phản đối kết quả bầu cử ở Georgia
Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler, người vừa thất bại trong cuộc đua vào Thượng viện vừa qua ở Georgia, đã thay đổi suy nghĩ về việc phản đối kết quả bầu cử tại bang này sau cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội ngày 6/1 (giờ Mỹ). "Hiện nay, tôi không thể phản đối việc xác nhận kết quả phiếu đại cử tri", bà Loeffler cho hay.
Hiện vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ ai phản đối kết quả bầu cử ở Georgia hay không. Các đồng nghiệp của bà Loeffler đã vỗ tay sau bài phát biểu của bà.
8h40: Phó Tổng thống Pence lên tiếng
Phó Tổng thống Mike Pence đã triệu tập lại phiên họp chung để xác nhận kết quả kiểm phiếu ngay trong buổi tối (theo giờ Mỹ) sau cuộc bạo động bạo lực tại điện Capitol.
"Chúng tôi đã bảo vệ điện Capitol ngày hôm nay. Chúng tôi luôn biết ơn những người đã ở lại vị trí của họ để bảo vệ địa điểm lịch sử này", Pence nói. "Những người tàn phá điện Capitol của chúng ta hôm nay, các bạn đã không chiến thắng. Bạo lực không bao giờ chiến thắng. Tự do mới chiến thắng. Đây vẫn là ngôi nhà của người dân. Khi chúng ta tái ngộ trong căn phòng này, thế giới sẽ lại chứng kiến sự kiên cường và sức mạnh nền dân chủ của chúng ta".
8h30: Lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện chỉ trích người biểu tình "phá hoại nền dân chủ Mỹ"
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell đã chỉ trích những kẻ bạo loạn xâm phạm điện Capitol và khiến Quốc hội phải tạm dừng việc kiểm phiếu đại cử tri.
"Chúng tôi sẽ không cúi đầu trước sự vô pháp hay sự đe dọa. Chúng tôi đã trở lại vị trí của mình, sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiến pháp và vì quốc gia của chúng ta. Và chúng tôi sẽ làm điều đó, nay tối nay", ông McConnell nói.
McConnell nói thêm Quốc hội sẽ tiếp tục quá trình chứng nhận bất chấp sự gián đoạn.
8h20: Cựu Tổng thống Barack Obama chỉ trích cuộc bạo động đồi Capitol là do "một tổng thống đương nhiệm" kích động
Cựu Tổng thống Barack Obama đã đưa ra một tuyên bố sau vụ bạo lực ngày hôm nay trên đồi Capitol, nơi ông đề nghị các đảng viên Cộng hòa "chọn thực tế và thực hiện những bước đầu tiên để dập tắt ngọn lửa".
"Lịch sử sẽ ghi nhớ vụ bạo lực hôm nay tại điện Capitol, được kích động bởi một tổng thống đương nhiệm liên tục nói dối vô căn cứ về kết quả của một cuộc bầu cử hợp pháp, như một khoảnh khắc vô cùng ô nhục và xấu hổ đối với quốc gia của chúng ta. Nhưng sẽ là sự nhạo báng cho chính chúng ta nếu xem đó là điều bất ngờ đáng ngạc nhiên", ông Obama nói.
8h00: Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích ông Trump kích động bạo loạn
Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Tổng thống Trump James Mattis đã gọi cuộc bạo loạn ở thủ đô Washington hôm nay là một “cuộc tấn công bạo lực nhằm vào Điện Capitol, một nỗ lực nhằm khuất phục nền dân chủ Mỹ” và nói rằng cuộc bạo loạn “do ông Trump gây ra”.
Mattis cho biết Trump đã sử dụng "nhiệm kỳ Tổng thống để phá hủy lòng tin vào cuộc bầu cử của chúng ta và đầu độc sự tôn trọng của chúng tôi đối với người dân đã được kích hoạt bởi các nhà lãnh đạo chính trị giả mạo mà tên tuổi của họ sẽ bị ô danh là hồ sơ hèn nhát".
7h50: Phó Tổng thống Mike Pence trở lại Thượng viện
Phó Tổng thống Mike Pence đã trở lại Thượng viện, thư ký báo chí của ông thông báo trên một dòng tweet.
"Phó Tổng thống Mike Pence đã trở lại Thượng viện. Ông ấy chưa bao giờ rời Điện Capitol. @VP đã liên lạc thường xuyên với lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện, cảnh sát cấp cao, DOJ và DoD (các nghị sỹ 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa) để hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ điện Capitol và triệu tập lại Quốc hội. Và bây giờ chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ với người dân", thư ký báo chí của ông Pence nói.
Cơ quan mật vụ Mỹ muốn ông Pence rời khỏi điện Capitol chờ mọi thứ đã ổn định, nhưng ông muốn ở lại đây, một nguồn tin thân cận cho biết.
7h40: Chánh văn phòng Đệ nhất phu nhân Mỹ từ chức
Stephanie Grisham, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng kiêm thư ký báo chí và là chánh văn phòng đương nhiệm của đệ nhất phu nhân Melania Trump, đã đệ đơn từ chức ngay sau vụ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ xảy ra.
Việc từ chức của Grisham có hiệu lực ngay lập tức.
Grisham là một trong những quan chức chính quyền Trump tại vị lâu nhất, bắt đầu nhiệm kỳ của mình khi làm việc cho Donald Trump vào năm 2015 với tư cách là nhân viên báo chí của chiến dịch tranh cử.
7h27: Twitter khóa tài khoản của ông Trump trong 12 giờ
Twitter cho biết họ đã khóa tài khoản của Tổng thống Trump trong 12 giờ và lần đầu tiên cảnh báo rằng họ có thể khóa tài khoản của ông vĩnh viễn.
Việc khóa tạm thời được tuyên bố là do Trump vi phạm các quy tắc Twitter, công ty cho biết.
“Chúng tôi yêu cầu xóa 3 tweet trên tài khoản @realDonaldTrump được đăng trước đó vào ngày hôm nay do vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng chính sách của chúng tôi”. “Tài khoản @realDonaldTrump sẽ bị khóa trong 12 giờ sau khi xóa các tweet này. Nếu tweet không bị xóa, tài khoản sẽ vẫn bị khóa”, công ty cho biết. Twitter nói thêm, “nếu còn vi phạm trong tương lai, tài khoản @realDonaldTrump sẽ bị khóa vĩnh viễn”.
7h18: Đồi Capitol đang được dọn dẹp
Các phòng làm việc của Hạ viện và Thượng viện đang được dọn dẹp để toàn bộ các nghị sỹ có thể tiếp tục các thủ tục kiểm đếm phiếu ngay sau 8 giờ tối.
Không rõ liệu Hạ viện và Thượng viện có kế hoạch thông qua phiếu trong đêm hay không hay quá trình tố tụng sẽ kéo dài bao lâu?
Trong một bức thư gửi các đồng nghiệp vào tối nay, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết các nhà lãnh đạo Quốc hội đã quyết định nối lại phiên họp chung vào tối nay sau khi Điện Capitol "được đưa vào sử dụng". Bà đang quay trở lại phòng họp.
7h10: Twitter gỡ tweet của ông Trump
Twitter đã gỡ vài tweet của ông Trump khi cho rằng những nội dung này kích động bạo lực ở tòa nhà Quốc hội Mỹ. Nội dung bị gỡ bao gồm 1 video ông Trump đăng tải trong chiều thứ Tư sau khi phát biểu ủng hộ những người biểu tình. Ngoài ra tweet yêu cầu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence làm "điều đúng đắn" là phủ nhận kết quả phiếu đại cử tri cũng bị gỡ
6h28: Các bang tăng cường an ninh, ra lệnh giới nghiêm
Dù chỉ có đám đông biểu tình ở Washington DC gây ra bạo loạn, chính quyền các bang ở Mỹ bắt đầu tăng cường kiểm soát an ninh.
Tại Santa Fe, New Mexico, các nhà lập pháp và nhân viên của bang đã được chính quyền yêu cầu rời khỏi cơ quan khi những người biểu tình ủng hộ Trump tụ tập bên ngoài. Chủ tịch Hạ viện của đảng Dân chủ, Brian Egolf, cũng có mặt ở tòa nhà quốc hội bang, phát ngôn viên của ông cho biết.
Tại Georgia, các nhân viên thực thi pháp luật đã đảm bảo hàng rào an ninh xung quanh thủ phủ bang Georgia Atlanta. Trước 5 giờ chiều (giờ Mỹ), chỉ có thể nhìn thấy một số ít người biểu tình ủng hộ Trump gần thủ phủ bang.
Video: Lực lượng an ninh nổ súng khi người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ
6h20 (giờ Việt Nam): Người biểu tình tấn công cảnh sát Mỹ bằng hóa chất
Người đứng đầu sở cảnh sát Washington DC, ông Robert Contee cho biết người biểu tình của ông Trump đã tấn công nhân viên chấp pháp bằng hóa chất khi tìm cách xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ông tuyên bố vụ việc là bạo loạn.
Ít nhất 13 trường hợp đã bị bắt giữ trong khu vực và một người bị bắn ngay trong tòa nhà Quốc hội.
Thị trưởng Washington DC Muriel Bowser lên án kịch liệt hành động từ người biểu tình của ông Trump là "đáng hổ thẹn, phản quốc và trái pháp luật".
Rất may, trước đó, các quan chức Quốc hội Mỹ đã được sơ tán kịp thời.
4h55: Tổng thống Trump kêu gọi những người ủng hộ đang chiếm đóng tòa nhà quốc hội hãy "về nhà trong an toàn".
Ông Trump tiếp tục lặp lại cáo buộc gian lận bầu cử.
4h30: Tổng thống đắc cử Joe Biden lên tiếng về cuộc bạo loạn nổ ra tại tòa nhà Quốc hội Mỹ, gọi đây là một "cuộc tấn công" vào nền dân chủ.
Ông Joe Biden.
4h: Thượng nghị sỹ Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã ra tuyên bố chung kêu gọi Tổng thống Trump yêu cầu những kẻ bạo loạn rời đi ngay lập tức.
3h: Ngày 6/1, Quốc hội Mỹ tổ chức họp chung lưỡng viện nhằm kiểm phiếu đại cử tri và chính thức công bố ai được bầu làm Tổng thống và Phó Tổng thống nhiệm kỳ mới. Sự kiện đã bị gián đoạn ngay khi bắt đầu vì hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Trump tìm cách vào Quốc hội để phản đối kết quả bầu cử.
Cảnh sát đã phải chặn cửa ra vào Hạ viện và phải dùng tới súng để trấn áp người biểu tình tìm cách tràn vào.
Hàng nghìn người tấn công Điện Capitol ở thủ đô Washington hôm 6/1 (giờ Mỹ) để kêu gọi Quốc hội hoãn kiểm phiếu đại cử tri. (Ảnh: AP)
Những người ủng hộ Tổng thống Trump đã cố gắng vượt qua hàng rào cảnh sát tại Điện Capitol ở Washington. (Ảnh: AP)
Đám đông giằng co với cảnh sát để vào tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: AP)
Nghị sĩ Mỹ đeo mặt nạ phòng độc rời Quốc hội.
Lực lượng an ninh sơ tán các nghị sỹ.
Lực lượng an ninh khống chế những người biểu tình.
Cảnh hỗn loạn trong nhà Quốc hội Mỹ.
Lực lượng an ninh chĩa súng vào người biểu tình.
3h10:
Phiên tranh luận tại Thượng viện Mỹ về kết quả bỏ phiếu của đại cử tri Arizona phải tạm ngưng. Trước đó, hình ảnh cho thấy người biểu tình đã xông vào Điện Capitol và đứng trước phòng họp của Thượng viện.
3h: Người ủng hộ ông Trump đổ về tòa nhà quốc hội
Khi các cuộc tranh luận đang diễn ra bên trong, người ủng hộ ông Trump cũng đổ về tòa nhà quốc hội và cố xô đổ hàng rào bảo vệ quanh Điện Capitol. Theo Alayna Treene, phóng viên phụ trách Nhà Trắng của Axios, các phóng viên ngồi tại phòng báo chí của Điện Capitol được thông báo rằng nếu người biểu tình xông vào tòa nhà, họ sẽ được sơ tán đến phòng họp của Thượng viện và khóa cửa lại.
Trump đứng ngoài Capitol Hill "biểu tình"
Cách Đồi Capitol không xa, Tổng thống Trump cũng vừa phát biểu trước đám đông người ủng hộ, tuyên bố ông sẽ không nhận thua.
"Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng. Chúng ta không bao giờ nhượng bộ", ông Trump phát biểu tại một buổi vận động ở công viên Ellipse gần Nhà Trắng.
"Chúng ta thắng cuộc bầu cử này, một cách áp đảo. Kết quả không hề sít sao", ông Trump tuyên bố.
* Tiếp tục cập nhật