Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trộm hơn 31,5 tỷ đồng từ máy ATM, nhân viên ngân hàng lĩnh 19 năm tù

Bằng thủ đoạn tinh vi, cựu nhân viên Ngân hàng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Anh Đạt trộm cắp hơn 31,5 tỷ đồng từ các máy ATM.

Ngày 9/3, TAND TP.HCM mở lại phiên xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Anh Đạt (SN 1988) 19 năm tù về tội trộm cắp tài sản.

Trước đó, tòa từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả của một số cán bộ ngân hàng vận hành kho quỹ để Đạt có thể thực hiện lấy tiền từ các máy ATM.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra sau khi điều tra bổ sung và Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm, do giới hạn xét xử tòa không xem xét phần này. Tại tòa, Đạt thừa nhận do túng tiền vì đánh bạc nên trộm cắp và nay không có khả năng hoàn trả.

Tháng 4/2012, Đạt được tuyển dụng vào làm nhân viên ngân quỹ - Phòng vận hành kho quỹ TP.HCM thuộc Ngân hàng Hàng hải Việt Nam. Đến tháng 7/2016, Đạt làm Tổ trưởng Tổ Nghiệp vụ - Phòng Vận hành kho quỹ TP.HCM.

Trong hai ngày 14 và 15/12/2017, một số máy giao dịch tự động ATM của ngân hàng đều không thể mở được mã két để lấy khay tiền hồi quỹ theo lịch.

Các nhân viên tiếp quỹ báo cáo lãnh đạo về việc Đạt yêu cầu đưa mã khóa và chìa khóa ATM để phối hợp khắc phục sự cố sửa lỗi. Nhưng lãnh đạo liên lạc mời Đạt đến để làm rõ thì không liên lạc được và không biết Đạt ở đâu.

Bị cáo Nguyễn Anh Đạt tại phiên xử sáng 9/3. (Ảnh: HY)

Đến ngày 18/12/2017, Đạt gọi điện thoại cho Giám đốc Phòng Vận hành kho quỹ khai báo việc lấy cắp tiền từ 25 máy ATM. Ngân hàng kiểm tra, phát hiện bị mất hơn 31,5 tỷ đồng. Ba ngày sau, Đạt đến cơ quan công an đầu thú.  

Cơ quan chức năng xác định Đạt được phân công nhiệm vụ kiểm soát việc tiếp quỹ và hồi quỹ ATM, hỗ trợ các tổ ATM là đầu mối tiếp nhận và xử lý các vấn đề về ATM. Đạt không được trực tiếp thực hiện việc tiếp quỹ và hồi quỹ ATM. Chỉ có cán bộ thẻ và thủ quỹ ATM mới được giữ và có trách nhiệm quản lý chìa, mã khóa.

Tuy nhiên, Đạt nhiều lần yêu cầu tổ tiếp quỹ giao lại chìa và mã khóa để kiểm tra, sửa lỗi các máy ATM. Do tin tưởng, các nhân viên tổ tiếp quỹ đồng ý giao cho Đạt chìa, mã khóa ATM, không ký nhận bàn giao, giám sát quá trình sửa chữa máy ATM mà để Đạt tự thực hiện.

Đạt đến các máy ATM tắt nguồn điện để camera ngừng hoạt động rồi sử dụng chìa và mã khóa mở khay tiền của máy ATM lấy cắp tiền, sau đó đổi mã khóa để tổ tiếp quỹ không mở được khay tiền, không phát hiện được tiền bị mất.

Máy sẽ báo lỗi, Đạt sẽ tiếp tục được giao chìa và mã khóa để sửa lỗi rồi lấy cắp tiền từ máy ATM khác bù vào đúng số tiền đã lấy nhằm tránh sự phát hiện của ngân hàng.

Sau khi thực hiện xong, trong cùng ngày, Đạt sẽ trả lại chìa và mã khóa cho tổ tiếp quỹ để bàn giao kho quỹ. Đến cuối năm, biết ngân hàng sẽ kiểm kê lại toàn bộ máy ATM để quyết toán nên không thể che giấu được hành vi lấy cắp tiền, Đạt bỏ việc, không đến ngân hàng.

Kết quả điều tra, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát cho rằng Đạt thực hiện hành vi phạm tội trong khoảng thời gian liên tiếp. Thực tế lần lấy tiền sau tại các máy ATM, Đạt có sử dụng một phần bù đắp lại máy ATM bị lấy cắp trước nên chưa xác định cụ thể số tiền gây thiệt hại do từng cá nhân gây ra, chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự.

Video: Nguy cơ bị đánh cắp thông tin từ cây ATM

Nguồn: Báo Pháp luật TPHCM

Tin mới