Video: Trò nghèo sống trên đèo Ia Kreng háo hức chờ ngày đến trường
Trong căn nhà ọp ẹp phả hơi nóng hầm hập của mái tôn, Rơchâm Bông, học sinh lớp 5, trường TH&THCS Ia Kreng (xã Ia Kreng) đang loay hoay sửa lại chiếc cặp cũ năm ngoái để dùng. Em bỏ thêm mấy quyển vở trong cặp để chuẩn bị đến trường trong ngày khai giảng năm học mới.
Trên góc nhà là chiếc áo trắng mẹ mới mua cho em cách đây mấy hôm vẫn còn nguyên tem mác. Em rất vui vì sắp được khoác chiếc áo đó. Thi thoảng em lại lấy tay nhẹ nhàng vuốt cho phẳng áo.
Em Rơchâm Bông soạn sửa sách vở, chuẩn bị cho ngày gặp lại bạn bè, thầy cô.
Nhà Bông nằm cheo leo một góc đồi. Để đến trường, Bông phải đi bộ hơn 3 cây số. Sáng em thức dậy từ 5h hơn rồi lại lật đật chuẩn bị sách vở, quần áo để kịp giờ lên lớp. Vì thế ở trường Bông luôn được khen là học trò chăm chỉ và gương mẫu.
Dù quãng đường vượt dốc đến trường khó khăn nhưng Bông nói em thấy đường không xa. Có hôm mưa to quá, bố mẹ khuyên nghỉ học, Bông không chịu. Bông thích đi học hơn ở nhà. Ngay cả khi đi chăn bò, Bông còn kẹp nách theo một quyển sách giáo khoa để tranh thủ ôn luyện vài bài thơ, phép toán. Vì sự chăm chỉ và cố gắng đó mà suốt 4 năm liền, Bông luôn là học sinh khá giỏi và được tuyên dương trước toàn trường.
Cách nhà Bông chừng 500 mét là em Rơchâm Khái. Nhà Khái nằm cạnh rẫy cà phê nên đường đến trường có phần khó khăn hơn. Hôm nào trời mưa, đường trơn trượt, Khái lại phải lội bùn đất lầy lụa, tới lớp thì gấu quần, giày dép dính đầy đất đỏ.
Dáng người nhỏ thó, gương mặt luôn nở nụ cười tươi rói, Khái tâm sự: “Con thích đi học lắm. Sắp tới ngày khai giảng, con được mẹ mua cho cặp sách và áo mới, con rất vui. Dù hàng ngày đi học, con phải đi bộ xa nhưng con quen rồi, với lại đi cùng các bạn nữa nên không cảm thấy mệt”.
Tranh thủ thời gian chăn bò, Rơchâm Bông ôn luyện bài vở.
Rơchâm Khái học cùng với Rơchâm Bông tại trường TH&THCS Ia Kreng nằm tại Ia Kreng, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
Khái và Bông cùng các học sinh ở đây đều là người dân tộc thiểu số. Hằng ngày, để đến được trường, các em phải vượt đường đèo dốc thẳng đứng, gian nan và vất vả. 'Hành trang' trẻ ở đây chuẩn bị vào năm học mới đơn giản là những quyển sách cũ, bộ quần áo mà cha mẹ dành dụm cả tháng mới mua được.
Phải vượt lên hoàn cảnh để đi học, đó là ý chí, là suy nghĩ của những đứa trẻ sống ở Ia Kreng. Hơn ai hết, Bông, Khái và những đứa trẻ khác hiểu rằng, để có một tương lai tươi sáng thì không thể bỏ lỡ việc học.
Những năm gần đây, diện mạo vùng nông thôn ở Ia Kreng có nhiều thay đổi. Các tuyến đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa, hệ thống trường học được chú tâm xây dựng kiên cố, khang trang.
Khái dạy cho em mình học mặt chữ trong thời gian nghỉ hè.
Tuy nhiên, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc miền núi, nên đời sống còn khó khăn. Dù vậy những ông bố, bà mẹ hàng ngày vẫn cố lên rẫy cày thuê, cuốc mướn, làm tất cả những gì có thể để các con được tới trường.
Bên cạnh đó là sự nỗ lực từ địa phương, đặc biệt là các thầy cô giáo ‘cắm bản’. Nhiều năm liền, chính quyền địa phương cũng như các thầy cô trong trường luôn tạo mọi điều kiện hết sức để hỗ trợ các em từ sách vở, xe đạp cho đến những bộ quần áo. Bất cứ em học sinh nào cũng được đến trường đúng tuổi, được lên lớp, được làm quen với con chữ, con số.
Chia sẻ với VTC News, thầy Nguyễn Thành Công – Hiệu trưởng trường TH&THCS Ia Kreng cho biết, đời sống các em học sinh nơi đây đa phần là khó khăn, nhưng các em luôn ý thức được việc đi học. Nhà trường cũng như địa phương luôn cố gắng hỗ trợ các em hết sức.
"Chuẩn bị khai giảng tới đây, chúng tôi cũng sẽ tặng sách vở, xe đạp cho một số em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để động viên, cổ vũ các em học tập thật tốt", ông Công nói.
Để đến được trường, các em phải vượt một đoạn đường đèo, dốc khá xa.
Bước vào năm học 2020-2021, những đứa trẻ Jrai ở xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) lại tiếp tục ríu rít vượt dốc, tới trường. Hy vọng các em sẽ chinh phục những dự định trong tương lai, đặc biệt là giúp bản làng nơi các em sinh ra sẽ thoát nghèo.